Tại hội thảo góp ý cho đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) do Bộ Công thương tổ chức sáng 26.7 tại Hà Nội, chỉ có ý kiến từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà thiếu vắng đại diện từ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.
Mặc dù đối tượng đề án hướng tới là các DN trong nước gặp khó khăn, trước hết là các DN vừa và nhỏ, nhưng chưa có nhiều nhóm giải pháp trong đề án dành cho đối tượng này. Trong khi đó, một số ngành lớn như điện, than, khoáng sản lại có những giải pháp khá rõ, như ngành điện, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép các DN được điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ, bố trí các nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài; hay ngành than được điều chỉnh giá bán cho điện.
Bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, dù làm trong lĩnh vực hỗ trợ DN 10 năm nay nhưng tới nay bà chưa được biết con số thực tế dư nợ tín dụng cho DN nhỏ và vừa trong hệ thống ngân hàng. Theo điều tra của VCCI, vốn ưu đãi lâu nay vẫn chỉ vào các DN lớn.
Cũng theo bà Hằng, mặc dù Nghị quyết 13 đã thông qua gói miễn giảm thuế cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, nhưng đây là giải pháp hậu sản xuất. DN phải có lãi mới được giảm thuế, nhưng hầu hết các DN hiện nay đều không có lãi. Đây là lý do bà Hằng kiến nghị cần đẩy mạnh các giải pháp xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm, hệ thống bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa vốn đang hoạt động thiếu hiệu quả.
Ngoài ra, tăng cường các biện pháp hỗ trợ phi tài chính, để năng lực xây dựng phương án kinh doanh của DN nhỏ và vừa được cải thiện.
Về nhóm giải pháp về thị trường, bà Hằng cho rằng cần tập trung các biện pháp liên quan đến phát triển thị trường nội địa, hệ thống phân phối đến nông thôn, vùng sâu xa, khuyến khích DN có biện pháp quảng bá, khuyến mại sản phẩm, thông qua việc bỏ trần phí quảng cáo.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng nhà nước phân trần: “Nhiều đồng chí nói ngân hàng như tội đồ, phản ứng dữ dội, nhưng chúng tôi đã làm ngày làm đêm, triển khai rất sát đến người dân, hỗ trợ DN”.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng thừa nhận, từ năm 2008 đến nay thường xuyên lặp đi lặp lại chu kỳ thắt chặt tín dụng quá, đến khi khó khăn lại phải mở ra. Ngành ngân hàng trình Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, nhưng phải đảm bảo ổn định lâu dài. Nhiều DN có khả năng, được cấp cứu kịp thời sẽ vượt qua, nhưng nhiều DN có cấp cứu cũng khó qua khỏi do quản trị kém, vốn phụ thuộc. Ngân hàng cũng là DN, khi lựa chọn vốn đầu tư phải cân nhắc, những DN không đủ sức sống thì không cứu.
Tuy nhiên, trái với quan điểm này, theo TS Nguyễn Mại, Ngân hàng Nhà nước cần phải thay đổi tư duy, cứu DN cũng chính là cứu ngân hàng.
Theo TNO
Bình luận (0)