Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng không, những chuyện khó tin

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lịch sử hàng không, bò rừng gây tê liệt đường bay tới Huế 1 ngày được xem hy hữu; máy bay phải lòng vòng 1 tiếng trên trời không rõ lý do; mỗi khi vệ sinh máy bay, gián bay rào rào. Đằng sau những câu chuyện này là gì?

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, từng máy bay phải bảo dưỡng định kỳ.

Ảnh: Gia Khánh.

Nếu có bò tót nữa cũng chịu
Con bò tót nặng hơn 1 tấn không hiểu bằng cách nào đột nhập sân bay Phú Bài (Huế) khiến cả nước xôn xao. Cục hàng không VN và Vietnam Airlines (VNA) phát sốt vì hàng ngày có 12 chuyến, với hàng nghìn khách tới đây.
Thông thường, muốn đóng cửa một sân bay trong vài chục phút phải là chuyện vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ngày 24-7, sân bay Phú Bài đã phá kỷ lục đóng cửa nguyên một ngày.
Đến nỗi, một Phó Chủ tịch UBAT giao thông quốc gia nhân chuyến công tác cũng phải bận tâm chỉ đạo vì sợ bò tót manh động gây chết người trong sân bay. Lúc đó, thậm chí đã có chỉ đạo sẵn sàng bắn hạ nếu bò tót gây ảnh hưởng tới tính mạng hành khách.
Sáng 24-7, nhiều hành khách phải vạ vật hàng giờ đồng hồ. Cả trăm cán bộ phải túc trực cả đêm, chiếu đèn canh bò tót tại một góc sân bay Phú Bài.
Lãnh đạo Cục Hàng không trước đến nay thống kê các vụ động vật thường như chó, mèo, gà, trâu… đột nhập sân bay đã xem uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay. Nay, có hẳn một con bò tót nặng hơn 1 tấn vượt hào, phá rào vào khu vực cấm như chốn không người.
Sáng cùng ngày, trước khi con vật này bị khống chế (sau nhiều lần bắn thuốc mê) đã kịp húc đổ một xe ô tô chuyên dụng trong sân bay.
Cũng cần nói thêm, hiện ở Việt Nam có không ít sân bay ở tỉnh lẻ, mỗi lần máy bay cất hạ cánh, cán bộ an ninh phải đi lùa trâu, bò.
Cách đây không lâu, tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), vì một con trâu sổng chuồng, hàng chục cán bộ phải bao vây, chặn bắt khiến máy bay VNA vòng vèo mấy chục phút chờ bắt trâu mới dám hạ cánh.
Theo Phó Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh: “Thực trạng hàng rào tại 20 cảng hàng không cấp trên đã biết và có chỉ đạo doanh nghiệp (Tổng Cty Cảng hàng không VN) tự ứng vốn xây hàng rào.
Tuy nhiên, việc này phải có lộ trình, không thể làm ngay một lúc được. Đa số động vật xâm nhập sân bay đều được những người có trách nhiệm phát hiện ngay từ đầu”.
Chiều 24-7, một chuyên gia hàng không cho biết, thực trạng hàng rào tại các cảng hàng không như thế thì không thể quy trách nhiệm cho cán bộ sân bay. Thế nhưng, thảm hoạ rình rập khôn lường.
“Cứ thử hình dung khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh, bỗng dưng một con bò lao vào, chắc chắn thảm họa tầm quốc gia”, vị chuyên gia nói. Hơn lúc nào hết, thuật ngữ “mất bò mới lo làm chuồng” đang phù hợp trong bối cảnh này cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Máy bay chứa đầy gián, tổn thất nặng vì chuột
Câu chuyện chiếc máy bay Airbus 330 của VNA (đang hành trình từ Việt Nam đi Hàn Quốc qua không phận Trung Quốc) phải lòng vòng gần 1 tiếng ở độ cao 11 km trên bầu trời Quảng Châu có nhiều điều khó tin, đến giờ tổ bay mới kể.
Một thành viên phi hành đoàn cho biết, chuyện bay lòng vòng 15-20 phút trên trời Trung Quốc không ít lần và không riêng gì máy bay VNA. Chuyến bay VN416 ngày 15-1 vừa qua là hy hữu.
Hôm đó, khi máy bay đã lòng vòng (với lý do khó hiểu) được 45 phút, tổ bay linh cảm sẽ không đủ nhiên liệu tiếp tục hành trình. “Thông thường, máy bay chỉ dự bị nhiên liệu 20 phút. Một tấn hàng tương đương 1 tấn nhiên liệu. Nếu bay cố sang Hàn Quốc, chắc chắn sẽ không đủ nhiên liệu, trong khi sân bay dự bị không có. Cuối cùng, tổ bay quyết định xin hạ cánh xuống sân bay Thượng Hải sau khi đã lòng vòng được 55 phút.
Hôm đó, không riêng VNA, mà Cathay Pacific, Korean Air… cũng gặp cảnh tương tự. Thành viên phi hành đoàn cũng nói: “Chuyến bay Hà Nội-Bắc Kinh phải lòng vòng 15-20 phút không phải hiếm. Thậm chí, ngay khi máy bay ở trên mặt đất cũng tốn nhiên liệu vì sân bay địa phương luôn ưu tiên cho máy bay chủ nhà cất cánh trước.
Máy bay VNA đã lăn ra điểm cất cánh tốn cả tấn nhiên liệu, nhưng được lệnh rẽ vào điểm chờ. Có khi máy bay mình ra trước, nhưng vẫn phải lùi vào để nhường. Hầu như hành khách không biết những hoàn cảnh trớ trêu thế này”. Một tấn nhiên liệu bay giá thị trường khoảng 1 nghìn USD.
Nhiều hành khách đi trên các chuyến bay luôn nghĩ đây là phương tiện sang trọng. Tuy nhiên, máy bay có sạch không. Hiện, các hãng hàng không phải chi thường kỳ số tiền không nhỏ để diệt gián và các loại động vật ký sinh trên máy bay.
Các chuyên gia hàng không tiết lộ, máy bay càng to, gián, bọ càng nhiều. Những loại này trốn kỹ vào các ngõ ngách, sàn, thảm… máy bay. Các hãng hàng không ít nhắc tới chuyện này vì nhạy cảm, nhưng họ sợ nhất là hành khách vương vãi các mẩu thức ăn vụn.
Từng có chuyện, mỗi kỳ đưa máy bay đi bảo dưỡng, khi phun thuốc diệt hoặc sơn, gián bay từ khoang máy bay ra rào rào. Các công ty diệt côn trùng, động vật trên máy bay sợ nhất là loại gián Đức vì dễ kháng thuốc diệt.
Trường hợp, lỡ có chuột hoặc rắn lọt vào khoang, nhà vận chuyển phải phun thuốc diệt cả máy bay, sau đó chờ con vật thối bốc mùi để định vị và gắp ra.
Chiếc máy bay này tiếp tục quá trình khử mùi, làm vệ sinh mới có thể đưa vào hoạt động. Không nhiều nước có đủ trình độ, công nghệ xử lý việc này. Hãng bay nào lỡ dính vụ này coi như tổn thất nặng về kinh tế.
Đình Thắng (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)