Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá xăng tăng không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua (1/8), các doanh nghiệp đầu mối đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Mặc dù giá xăng được điều chỉnh tăng khá mạnh tới 900 đồng/lít và giá dầu tăng từ 400 – 500 đồng mỗi lít, kg nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng việc điều chỉnh tăng giá xăng sẽ không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Chỉ được tăng giá trong biên độ cho phép
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, bắt đầu từ 14 giờ hôm qua, giá bán các mặt hàng xăng tăng 900 đồng mỗi lít và các mặt hàng dầu tăng 500 đồng mỗi lít, kg. Theo đó, xăng RON 92 sẽ có mức giá mới là 21.900 đồng/lít; dầu diesel tăng 500 đồng/lít, tương ứng mức giá mới là 20.800 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa và dầu madút sẽ lần lượt có giá 20.650 đồng/lít và 18.150 đồng/kg.

Giá xăng A92 tăng 900 đồng/lít. Ảnh: Lê phú

Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ hai liên tiếp trong vòng 12 ngày gần đây. Ở lần tăng giá trước đó ngày 20/7, giá xăng RON 92 đã bất ngờ tăng thêm 400 đồng/lít để có mức giá mới là 21.000 đồng/lít. Cũng ở lần điều chỉnh này, giá dầu diesel và dầu hỏa cùng có mức tăng 300 đồng/lít trong khi giá dầu madút được giữ nguyên. Giá bán lẻ xăng dầu của các DN đầu mối khác cũng được điều chỉnh tương đương cả về thời điểm tăng và mức độ tăng.
Mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước lần này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng, dầu trên thế giới tiếp tục có xu hướng leo dốc. Theo các DN kinh doanh xăng dầu, so với trước khi tăng giá, giá bán lẻ mặt hàng xăng đang thấp với giá cơ sở 900 đồng/lít, và giá bán mặt hàng dầu thấp hơn giá cơ sở trên 500 đồng/lít.
Mặc dù dư luận bất ngờ về việc giá xăng dầu tăng nhưng đại diện của Bộ Tài chính và Công Thương đều khẳng định, việc cho các doanh nghiệp tự quyết và đăng ký giá bán trong biên độ cho phép theo quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là phù hợp. “DN được quyền tự quyết giá bán xăng dầu trên cơ sở tính toán giá cơ sở so với giá bán hiện hành. Cụ thể, Nghị định 84 cho phép thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn, việc điều chỉnh giá bán lẻ (trong trường hợp tăng giá) được thực hiện theo nguyên tắc giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Trường hợp giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết.

Vẫn có cơ chế kiểm soát giá
Liên quan đến việc DN được tự quyết giá xăng dầu, có nhiều ý kiến lo ngại giá xăng dầu sẽ chỉ có lên mà khó có giảm, giá xăng dầu sẽ biến động nhiều hơn, DN có thể vì lợi nhuận mà làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, các cơ quan quản lý vẫn theo dõi chặt chẽ giá cơ sở và DN chỉ được điều chỉnh giá trong biên độ cho phép nên không có chuyện DN muốn tăng ra sao thì tăng. Nếu DN nào tăng sai quy định thì các cơ quan quản lý Nhà nước có thể “thổi còi”. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, Liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để can thiệp.
Ông Thỏa nhấn mạnh: “Dù đã trao quyền định giá cho DN trong biên độ Nhà nước cho phép và định giá theo nguyên tắc phương pháp, trình tự, thủ tục do Nhà nước quy định nhưng DN phải đăng ký giá cho Liên bộ Tài chính – Công Thương. Liên bộ sẽ kiểm tra xem đăng ký giá đó có đúng hay không, chứ không phải muốn định thế nào thì định, muốn định cao bao nhiêu cũng được và muốn định vào thời gian nào cũng được. Còn khi giá cơ sở tăng cao gây bất lợi đến đời sống, kinh tế – xã hội thì Nhà nước phải can thiệp trực tiếp bằng cách định giá, thuế, phí, quỹ bình ổn giá”.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, giá xăng tăng có thể tác động tiêu cực nhiều nhất lên nhóm hàng giao thông vận tải, nhưng ảnh hưởng đối với CPI sẽ không đáng kể do giá tiêu dùng giảm trong hai tháng qua. CPI hiện nay cao hơn 5,35% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, để hạn chế tác động của giá xăng tới giá cả, cũng cần phải tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả của các mặt hàng khác, không để tình trạng lợi dụng việc giá xăng dầu tăng để tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi DN đã được quyết giá theo cơ chế thị trường thì cùng với tăng giá, DN cũng cần giảm giá kịp thời mỗi khi giá thế giới giảm để không gây thiệt hại cho lợi ích của người tiêu dùng.

T.Hường
Theo Báo TIn Tức

Bình luận (0)