Không chỉ là hung thần, người dân lên xe buýt thường ám ảnh bởi chất lượng dịch vụ kém như: Thái độ phục vụ của lái và phụ xe, quá tải, chậm giờ, bỏ bến, trộm cắp, móc túi… Biện pháp mà ngành giao thông Thủ đô đang áp dụng là kiểm tra, giám sát và xử phạt nặng để hạn chế sai phạm.
Tăng cường giám sát
Hiện Hà Nội có 84 tuyến xe buýt (65 tuyến trợ giá, 12 tuyến không trợ giá, 7 tuyến kế cận) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 2.300 km, vận hành trên 10.800 lượt/ngày, vận chuyển trên 1,1 triệu lượt khách/ngày.
Tuyến xe buýt luôn được giám sát.
Năm 2012, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội là cải thiện hình ảnh xe buýt Hà Nội thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ. “Đặc biệt là Tổng công ty Vận tải Hà Nội (đơn vị chiếm hơn 80% lượng xe buýt ở Hà Nội) phải chấn chỉnh lại dịch vụ, công tác phục vụ, những bất cập, tồn tại vừa qua trên các tuyến xe buýt”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TT) đã tăng cường camera giám sát tại các điểm trung chuyển Long Biên, Cầu Giấy và triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên 100% phương tiện từ đầu năm 2012. Đồng thời lực lượng giám sát được tăng cường quân số (tăng 26% so với 2011).
Lực lượng thanh tra giám sát triển khai linh hoạt các hoạt động nghiệp vụ trên tuyến, tại chốt, các điểm trung chuyển; phối hợp kiểm tra với lực lượng thanh tra giao thông, công an và đã giám sát 14% lượt xe.
Qua kiểm tra, số lượt vi phạm lập biên bản tăng 90% so với cùng kỳ năm 2011. Số lượt vi phạm tăng không phải do lái xe, phụ xe tăng mà những lỗi này có từ trước nhưng không đủ lực lượng để xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc TT cho biết: “Hiện nay, phương tiện kỹ thuật và lực lượng giám sát được tăng cường nên xử lý triệt để hơn. Nhờ đó đã giám sát chặt chẽ hoạt động xe buýt hàng ngày, không để tình trạng giao khoán rồi lái xe, phụ xe muốn làm gì thì làm. Các lượt xe không thực hiện, các lượt xe quay đầu tùy tiện bỏ khách dọc đường, cũng như tình trạng thất thoát doanh thu từ vé giảm đáng kể. Từ việc kiểm soát chặt chẽ khối lượng, cắt bỏ không thanh toán các lượt xe không vận hành, quay đầu đã góp phần giảm chi ngân sách trợ giá gần 3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2012”.
Để xóa hình ảnh “hung thần xe buýt”, ngành giao thông vận tải Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị vận tải xe buýt chấn chỉnh thái độ phục vụ của lái và phụ xe. “Những trường hợp vi phạm phải cho kiểm điểm, xử lý nghiêm, để làm gương cho lái và phụ xe khác. Có những thời điểm, tính bình quân một ngày chúng tôi cho nghỉ việc 1 lái xe, phụ xe.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, do phần lớn lực lượng lao động có trình độ thấp. Phần lớn trong số lao động của Tổng công ty Vận tải Hà Nội chỉ học hết phổ thông, nhưng hàng ngày phải phục vụ nhiều đối tượng, áp lực công việc, nhất là giờ cao điểm, khiến nhiều lái xe ức chế”, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết.
Liên quan đến vấn đề gây bức xúc trong dư luận về nạn trộm cắp trên xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Đây là một vấn nạn, TT đã phối hợp với công an tập trung trấn áp tội phạm trên xe buýt. Cái khó ở đây không phải là bắt đối tượng mà là chế tài xử phạt bởi với giá trị tài sản nhỏ, mức xử phạt thấp nên đối tượng thường tái phạm…
Theo báo cáo kết quả phòng chống tội phạm hình sự trên tuyến xe buýt của tổ công tác 142, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã bắt giữ, xử lý trên các tuyến xe buýt và điểm đỗ 87 vụ, bắt 123 đối tượng”.
Nâng chất lượng phải từ doanh nghiệp
Bên cạnh việc giám sát của lực lượng chức năng, việc nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt phải từ chính doanh nghiệp. Trong số lỗi vi phạm lập 6 tháng đầu năm 2012, có 0,4% về thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe; 58,5% vi phạm bán vé; 1,1% chạy sai lộ trình, 6% chạy sai biểu đồ, dừng đỗ sai quy định, 8,5% vi phạm về chất lượng phương tiện, 22,8% vi phạm chốt sai quy định và 2,7% các vi phạm khác.
Theo biên bản này, số lượng vi phạm về chất lượng xe có giảm nhưng vi phạm về bán vé và chốt sai quy định tăng. “Những vi phạm trên lỗi trước hết thuộc về các doanh nghiệp quản lý. Không vì thiếu lái xe mà các doanh nghiệp xe buýt được tuyển bừa. Những lái, phụ xe nào đã bị kỷ luật ở doanh nghiệp này thì các doanh nghiệp khác không được tuyển vào làm việc nữa”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Trước những diễn biến phức tạp của giao thông đô thị vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến dịch vụ xe buýt, theo ông Hải: “Phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cần nâng cao chất lượng dịch vụ, theo đó TT tiếp tục tăng cường lực lượng, thiết bị phát hiện vi phạm. Việc giáo dục đạo đức, xử phạt nghiêm những lỗi vi phạm của lái xe thời gian qua cho thấy, tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt có giảm rõ rệt so với năm ngoái. Đồng thời việc tổ chức lại giao thông trong thời gian vừa qua cũng đã giảm ùn tắc giao thông tại những điểm đen nên tỷ lệ xe quay đầu cũng giảm đáng kể. Nhất là từ 1/10, giá vé xe buýt được điều chỉnh. Hiện các đơn vị vận tải đã chỉnh trang phương tiện, thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng đảm bảo kỹ thuật – mỹ thuật. Trong đó, đặc biệt tập trung chú ý đến giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử của đội ngũ lái phụ xe khi phục vụ hành khách”.
Bài và ảnh: Xuân Minh
Theo báo Tin Tức
Bình luận (0)