Thời hoàng kim, doanh nghiệp địa ốc đua nhau xây những căn hộ hoàn thiện, trao tay trọn gói thì nay lúc ế ẩm, họ thay đổi chiến thuật chỉ xây thô để giảm giá kích cầu.
Chủ đầu tư một dự án trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) chia sẻ, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, công ty ông đã tìm cách giảm giá bán thông qua hình thức bàn giao thô căn hộ. Thời điểm đầu năm 2011 địa ốc chưa rơi vào tình cảnh ế ẩm, căn hộ cao cấp nội thất lung linh được bán với giá 32-35 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, nay, thị trường khó khăn doanh nghiệp của ông buộc phải thay đổi chiến lược chia làm 3 dạng bàn giao. Căn hộ bàn giao thô có giá từ 25,5 đến 27-28 triệu đồng mỗi m2, hoàn thiện cơ bản 29-30,5 triệu đồng và bàn giao đầy đủ nội thất có giá trên dưới 33 triệu đồng.
"Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, người mua có thể chọn lựa loại hình căn hộ cho phù hợp", ông nói.
Chủ đầu tư để khách hàng tự hoàn thiện nhằm hạ giá thành dự án. Ảnh: Hoàng Lan |
Dự án Flamingo Đại Lải Resort cũng áp dụng chiêu tương tự, tung ra 30 căn biệt thự xây thô với giá 2,8 tỷ đồng mỗi căn kèm theo gói ưu đãi vay ngân hàng lên đến 60% giá trị hợp đồng, lãi suất 6% trong năm đầu. Ngoài ra, "thượng đế" được tặng 2 năm phí quản lý và giảm 50% cho năm thứ 3.
Thay vì việc bàn giao trọn gói, ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cho biết chủ đầu tư sẽ đưa ra hình thức bàn giao thô kèm theo các gói hoàn thiện linh hoạt để người mua lựa chọn. "Để hoàn thiện một căn hộ dưới dạng chìa khóa trao tay, riêng tiền nội thất rẻ nhất cũng lên tới 1,2 tỷ đồng như vậy giá đội lên sẽ tương đối cao", ông Hải Anh cho biết.
Ông Anh giải thích, do nhu cầu khách hàng là đa dạng nên dự án chỉ đưa ra các gói nội thất gắn tường, nội thất rời, ngoại thất như xích đu, thảm cỏ, đá đi kèm để khách hàng tham khảo. Chủ đầu tư còn hứa sẽ thuê lại của khách hàng với giá 35 triệu đồng mỗi tháng sau khi căn hộ bàn giao. "Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, khách hàng có thể hòa lại vốn sau đó sẽ hưởng lãi khi cho chủ đầu tư thuê lại", ông Anh nói.
Mới đây dự án Tiểu khu đô thị Nam La Khê (Hà Đông – Hà Nội) cũng bán nốt khoảng 30 lô nhà phố dưới dạng hoàn thiện phần xây thô cho khách hàng. Với diện tích mỗi căn chỉ rộng 50-60 m2, dự án còn được ngân hàng cho vay tối đa 70% giá trị hợp đồng. Theo một nhà phân phối, thời điểm cuối năm 2010, khi địa ốc sôi động, mỗi m2 đất ở La Khê được bán với giá trên dưới 80 triệu đồng nhưng nay đã giảm xuống gần một nửa. Chủ đầu tư không thể giảm giá tiếp mà chỉ có thẻ hạ giá bán thông qua hình thức bàn giao thô. Nếu xây thô, mỗi lô nhà phố có giá 3,7-3,8 tỷ một căn, trong khi đó, giá hoàn thiện đầy đủ lên tới 4,1-4,2 tỷ đồng.
Một dự án căn hộ có giá rao bán cao nhất nhì Hà Nội từng lấy nội thất siêu sang làm điểm nhấn thu hút lớp khách hàng thượng lưu. Nhưng gần đây, sau khi sử dụng các chiêu khuyến mãi lãi suất vay mua nhà, nhà môi giới của dự án cũng chấp nhận đàm phán giảm các hạng mục thi công hoàn thiện nếu khách có nhu cầu.
Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc công ty Bất động sản EZ Property VN cho hay các chiêu trò, ngón mánh kích cầu đã được các doanh nghiệp bất động sản dùng gần hết. Việc bán nhà xây thô hoặc hoàn thiện từng phần là một cách đầu tư khôn ngoan của doanh nghiệp để hạ giá thành, và tránh tạo cảm giác đắt đỏ.
"Nếu như trước kia, chủ đầu tư đua xây những căn hộ đẹp lung linh mĩ miều, người mua chỉ việc xách va ly vào ở thì nay họ chuộng hình thức bàn giao thô. Đối với những đại gia chuộng nội thất xịn, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đứng ra làm cầu nối trung gian làm hộ" ông nói.
Tuy nhiên, theo ông, hình thức câu khách chỉ mang lại tính sôi động nhất thời cho thị trường bởi khách hàng chỉ quan tâm đến 3 yếu tố là vị trí, giá cả và tiến độ xây dựng của công trình. "Chỉ những chủ đầu tư nào cam kết được 3 yếu tố này mới có thể lấy lại được lòng tin của thượng đế và bán được hàng", ông nhận định.
Khác với xu hướng giảm giá ở TP HCM, các doanh nghiệp bất động sản ở miền Bắc "ngại" hạ giá trực tiếp trên sản phẩm vì sợ mang tiếng "của rẻ là của ôi" đồng thời ảnh hưởng tới các nhà đầu tư trước. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn rất khó giảm giá vì thủ tục phức tạp như phải xin ý kiến hội đồng quản trị, phải chờ kế hoạch kinh doanh được thông qua. "Bởi vậy, trên thị trường Hà Nội, số đông là nhà đầu tư thứ cấp giảm giá, còn chủ đầu tư giảm giá trực tiếp trên sản phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay", ông Toàn giải thích.
Mới đây, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vừa đề nghị nới lỏng chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất động sản đồng thời giảm một nửa thuế VAT cho người mua nhà lần đầu nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo diễn ra vừa qua, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trồng chờ các giải pháp từ phía Nhà nước. Ông Nam cho biết, cách đây 3 năm, ông đã từng cảnh báo về những căn hộ cao cấp và nay thị trường đã phải lãnh đủ, do đó, để muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi riêng cho mình.
Theo Hoàng Lan (VNE)
Bình luận (0)