Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguy cơ thoái trào của một loại đặc sản “tiến vua”

Tạp Chí Giáo Dục

Chuối đặc sản La Ba của Lâm Đồng trong quá khứ là loại đặc sản tiến vua vì chất lượng và hình thức đặc biệt của nó.

Từ 2ha ban đầu, loại đặc sản này vài năm qua được trồng lên đến 350ha vì thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, được bảo hộ thương hiệu, và kết quả. Tuy nhiên, suốt 3 tháng qua, giá chuối liên tục giảm đến tận đáy, khiến nhiều hộ dân đã phải ngậm ngùi đốn bỏ hàng loạt để trồng các loại cây khác.

Đúng vào lúc Lâm Đồng chính thức công bố thương hiệu “Chuối La Ba đặc sản tỉnh Lâm Đồng” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp đến với mọi người dân – tháng 9.2012, cũng là lúc giá cả của mặt hàng này bắt đầu có dấu hiệu giảm sút trên thị trường. Và liên tục trong 3 tháng qua, số phận của thứ hàng hóa này không mấy sáng sủa.

Chuối La Ba được trồng phổ biến ở huyện Đức Trọng.

Gian nan con đường phục tráng

Những năm 30 của thế kỷ trước, tại vùng đất Phú Sơn thuộc huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng, người Pháp đã du nhập một giống chuối mới lấy tên “La Ba” – một địa danh thuộc vùng Phú Sơn. Sản phẩm được đưa lên Đà Lạt bán cho quan chức người Pháp và được đưa ra Huế để phục vụ trong bữa ăn cung đình. Chuối “La Ba tiến vua” có hương vị đặc biệt đã nổi tiếng ngay từ thời ấy.

Năm 2008, ông Hoàng Văn Hùng – một chuyên viên của Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng – đã “giật mình” và tiến hành phục tráng giống “chuối La Ba tiến vua” trên vùng đất Lâm Đồng! Đề tài khoa học “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống chuối đặc sản La Ba tỉnh Lâm Đồng” đã được triển khai và đã mang lại những kết quả đáng mừng; trong đó, việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu cho loại đặc sản này của Lâm Đồng là điều rất đáng nói”.

Từ chỗ tàn lụi chỉ còn 2ha thì đến giữa năm 2011, Lâm Đồng đã tạo dựng được một vùng chuyên canh sản xuất loại cây đặc sản này lên đến trên 350ha – gấp 3 lần so với thời hoàng kim của những năm 30 và 40 thế kỷ trước. Đồng thời, ngoài vùng đất mà trước nay giống chuối này đứng chân là La Ba thì cây chuối đặc sản của xứ sở Nam Tây Nguyên còn được mang đi trồng ở nhiều vùng đất khác. Và sản phẩm bán chạy như “tôm tươi” đi khắp nơi, kể cả xuất khẩu.

Lại thoái trào

Cuối năm 2011 trở lại đây, đặc biệt là từ tháng 9 đến nay, một “cơn gió ngược” dậy sóng đã làm cho nhiều nhà vườn điêu đứng. Hiện tượng chặt bỏ chuối để trồng các loại cây trồng khác đang diễn ra ở khắp các địa phương Lâm Đồng. Diện tích chuối La Ba từ hơn 350ha giữa năm 2011 giảm xuống còn khoảng 200ha hiện nay.

Điều đáng nói – theo ông Phan Văn Đát – trên thị trường hiện có ít nhất hai loại chuối gần giống chuối La Ba nhưng vẫn được gọi chung tên “La Ba”. Hầu hết nhà vườn trồng chuối La Ba hiện nay ở Lâm Đồng không tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, nên sản phẩm làm ra mang đi bán ở các thị trường nước ngoài thì phải đến 80% bị thải loại. Một lời khuyên từ cơ quan hữu trách của tỉnh Lâm Đồng được đưa ra là nhà nông không nên phá bỏ hàng loạt diện tích cây trồng này. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng chuối tập trung và việc nâng cao chất lượng (kể cả hình thức sản phẩm) chuối La Ba là điều rất đáng quan tâm hiện nay.

KHẮC DŨNG

Báo Lao Động

 

Bình luận (0)