Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa, gạo: Nông dân thấp thỏm chờ giá lên

Tạp Chí Giáo Dục

Trước và sau Tết Nguyên đán, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch lúa đông xuân sớm. Giá lúa vẫn dao động ở mức thấp, nông dân ĐBSCL sắp bước vào thu hoạch lúa đông xuân và thấp thỏm chờ đợi. Liệu ngày 20-2, khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá lúa có nhích lên?

Giá lúa tươi hiện được thương lái mua từ 4.200 đồng – 4.400 đồng/kg tùy loại nhưng số lượng thương lái hiện chưa xuất hiện nhiều. Nông dân đang nôn nóng bán lúa để trang trải, chi xài cần thiết sau tết. Hy vọng giá lúa sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo”, nông dân Điền Văn Bảnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Theo ông Bảnh, với giá bán lúa tươi như thế, quy ra khoảng 5.000 đồng/kg. Đến ngày 18-2, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch khoảng 6.000 ha lúa đông xuân, năng suất đạt khá cao, trên 6,7 tấn/ha. Nét mới là năm nay VFA đã nâng chỉ tiêu giao mua tạm trữ lên cho tỉnh Hậu Giang. Hy vọng trong những ngày tới, giá lúa sẽ nhích lên khi các thành viên VFA triển khai mua lúa, gạo tạm trữ. Tuy nhiên, sản lượng lúa ở một số tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp có dấu hiệu giảm do năm ngoái lũ nhỏ, lượng phù sa bồi bổ cho đồng ruộng thấp.

Mua bán lúa gạo, ai được hưởng lợi trực tiếp, nông dân hay doanh nghiệp?

Hiện các tỉnh ĐBSCL thu hoạch trên 150.000ha lúa đông xuân, chiếm khoảng 10% diện tích lúa trong vùng. Dự kiến, sản lượng lúa toàn vùng khoảng 10 triệu tấn, trong đó lúa hàng hóa cần tiêu thụ từ 6 – 7 triệu tấn. Chỉ tiêu mà VFA đảm trách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tương đường 2 triệu tấn lúa, chỉ chiếm khoảng 30% lượng lúa hàng hóa trong vùng. “Vấn đề là các doanh nghiệp phải triển khai mua nhanh, không để giá lúa giảm khi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, theo tôi việc triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo có tác động đến giá nhưng không nhiều. Vì ai cũng biết, nông dân cần bán lúa nhưng doanh nghiệp chủ yếu mua gạo”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích.

Đây là một nghịch lý đã tồn tại hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp điều chỉnh. Thực tế, giá lúa mà VFA công bố mua sau mỗi vụ bao giờ cũng cao hơn giá bán thực tế của nông dân. Vì nông dân bán lúa cho thương lái, rồi vòng vo qua nhiều trung gian xay xát, doanh nghiệp kinh doanh gạo mới đến tay doanh nghiệp xuất khẩu. Và các doanh nghiệp thành viên VFA bao giờ cũng lấy giá gạo hàng hóa họ mua ở công đoạn cuối rồi quy ra “báo cáo giá lúa mua của nông dân”. Giá lúa nông dân bán thực tế thường thấp hơn khoảng 200 – 300 đồng/kg so với giá mà VFA “báo cáo” mua của nông dân! Vì vậy, trong năm 2012, nhiều ý kiến đã đề xuất nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân tạm trữ lúa tại nhà hoặc thông qua các HTX… Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Và điệp khúc cũ lại tái hiện: Nông dân cần bán lúa, doanh nghiệp tiếp tục mua gạo. Chắc rằng câu chuyện tạm trữ lúa gạo, ai được hưởng lợi trực tiếp, nông dân hay doanh nghiệp sẽ tiếp tục là vấn đề thời sự. Theo thông báo giá hướng dẫn gạo xuất khẩu của VFA có hiệu lực từ ngày 6-2-2013, gạo loại 5% tấm là 410 USD/tấn/FOB, loại 35% tấm là 365 USD/tấn/FOB; đóng bao 50kg/bao, giao tàu và theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Như vậy, giá gạo xuất khẩu loại 35% tấm đã điều chỉnh giảm 5 USD/tấn so với cuối năm 2012. Thị trường xuất khẩu gạo năm 2013 khó lường trước được những biến động. Mặt bằng giá lúa, gạo hàng hóa trước Tết Nguyên đán ở ĐBSCL so với những năm gần đây vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Nông dân ĐBSCL hy vọng giá lúa sẽ tiếp tục nhích lên, duy trì ở mức ổn định và VFA sẽ thể hiện sự chia sẻ lợi ích thỏa đáng với nông dân chứ không phải đặt nặng việc kinh doanh theo kiểu mua đứt, bán đoạn.

CAO PHONG (SGGP)

Bình luận (0)