Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

97% chợ truyền thống hoạt động hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-5, tại TPHCM, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP, sơ kết thực hiện Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ của các tỉnh, thành phía Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị.

Theo Bộ Công thương, thực hiện Nghị định 02 và Nghị định 114, cả nước đã xây mới 2.006 chợ, cải tạo nâng cấp 2.984 chợ các loại, nâng tổng số chợ cả nước đến cuối năm 2012 lên 8.547 chợ, với tổng số người buôn bán tại các chợ khoảng 2 triệu người. Trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số chợ đạt hiệu quả chiếm 97%.

Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, riêng tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa lượng hàng hóa lưu chuyển qua chợ chiếm đến hơn 80%. Số lượng doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào việc phát triển và quản lý chợ ngày càng tăng. Cả nước hiện có 595 doanh nghiệp và hợp tác xã chợ.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển và quản lý chợ còn nhiều hạn chế như số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bố không đồng đều, ở cùng nông thôn nơi cần phát triển chợ nhất thì chủ yếu là chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn sơ sài, lạc hậu.

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần rà soát, điều chỉnh và nâng chất lượng quy hoạch phát triển chợ. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phát triển chợ. Đặc biệt, để chuyển đổi nhanh từ ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý và kinh doanh cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Để thu hút vốn đầu tư xây dựng chợ, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cũng như sự cam kết mạnh mẽ của các địa phương trong việc giao đất và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Thúy Hải (SGGP)

Bình luận (0)