Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sản xuất mũ bảo hiểm đang bị thả lỏng

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiến nghị để đưa sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm vào danh sách loại hình sản xuất có điều kiện.
Trong hai ngày 19 và 20-6, đoàn liên ngành (gồm Cục Quản lý thị trường, Ban An toàn Giao thông Quốc gia, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM…) đã kiểm tra, phát hiện hai công ty sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) là Duyên Lành, Kim Ngọc Tài dùng nhựa tái chế, mốp xốp kém chất lượng và dán tem CR chưa được chứng nhận hợp quy… trên hàng ngàn MBH.
Điều đáng nói là hai công ty vi phạm trên đang đưa sản phẩm tham gia chương trình “đổi mũ dỏm lấy mũ thật” cho người dân. Tình trạng này rất đáng báo động vì MBH là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, tính mạng của người dân, không thể buông lỏng quản lý.
Tai hại vô cùng!
Có mặt ở Công ty Duyên Lành trong ngày 19-6 (ngày đoàn liên ngành đến kiểm tra) mới thấy họ dùng cả nguyên liệu nhựa đen tái chế để sản xuất MBH. Không chỉ vậy, đoàn liên ngành còn phát hiện nhiều MBH thành phẩm tại đây không dán tem hợp quy của công ty mà dán tem CR giả với những thông tin về địa chỉ, tên nhà sản xuất không có thật.
Tiếp đó vào ngày 20-6, đoàn liên ngành đến kiểm tra Công ty Kim Ngọc Tài (quận Bình Tân) cũng phát hiện công ty này có nhiều sai phạm như nhập sản phẩm xốp kém chất lượng để sản xuất, sản phẩm năm 2013 được dán tem CR của Quacert với giấy chứng nhận hết hiệu lực từ năm 2011. Tuy không được cấp phép nhưng công ty đã dùng tem CR của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2 dán lên sản phẩm…

Mũ bảo hiểm dỏm vẫn ngang nhiên bày bán ở lề đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM. (Ảnh chụp chiều 21-6) Ảnh: M.THẢO
Một cán bộ thuộc Ban An toàn Giao thông có mặt trong đoàn nhận định nếu các mốp xốp này được bọc vào vỏ MBH và đem bán ngoài thị trường thì rất tai hại cho người sử dụng.
“Mốp xốp mỏng dính thì làm sao bảo vệ được người đội? Có đưa mốp xốp vào để làm ra MBH thì tôi khẳng định ngay đó là mũ dỏm. Loại mũ này nếu lỡ có va chạm xảy ra thì không thể bảo vệ được vùng đầu của người sử dụng” – ông này cho biết.
Cũng theo thông tin từ đoàn liên ngành thì qua ba ngày kiểm tra liên tục, đoàn có đánh giá ban đầu là quy mô sản xuất và mức độ “bành trướng” của MBH dỏm đang thao túng thị trường, rất cần những chế tài mạnh để xử lý hiệu quả.
Sẽ quản chặt
Thông tin với PV ngày 21-6, ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, khẳng định có đi kiểm tra mới nhận thấy việc quản lý sản xuất MBH hiện đang bị thả lỏng.
“Không thể nào an tâm được khi việc sản xuất ra MBH lại được tiến hành tại nhiều cơ sở rất tạm bợ với nhiều khâu, nhiều quy trình sản xuất khá sơ sài, đơn giản. Sản xuất MBH mà chỉ cần dùng tay đưa mốp xốp vào vỏ là ra thành phẩm, sau đó bán ra thị trường được ngay là điều khó ai chấp nhận được” – ông Hùng nói thêm.
Trong ngày 21-6, đoàn liên ngành đã đến Bình Dương kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp sản xuất MBH và sau đó tiếp tục xuống Cần Thơ kiểm tra các doanh nghiệp khác. Bước đầu, nhiều đơn vị sản xuất MBH nhỏ, manh mún thấy có đoàn kiểm tra gắt gao đã co quy mô sản xuất lại, thậm chí đóng cửa nhà xưởng để chờ đợi, nghe ngóng trước.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Trần Hùng cho biết sau chuyến đi kỳ này, đoàn sẽ có văn bản kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng, trong đó bao gồm nhiều nội dung quan trọng về các giải pháp để chấn chỉnh việc sản xuất kinh doanh MBH, siết chặt quản lý bằng chế tài, để từ đó hạn chế mũ dỏm ra thị trường.
Thừa nhận thiếu sót
Ngày 21-6, xác nhận với PV, ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực Ban An toàn Giao thông TP.HCM, cho biết thông tin Công ty TNHH Ứng dụng Công nghệ Môi trường Nước Đại Việt, đơn vị đang tham gia chương trình “đổi MBH dỏm lấy mũ thật”, xin rút không tham gia là chính xác.
Lý do xin rút là vì doanh nghiệp này làm đại diện thương mại bán MBH cho Công ty TNHH Duyên Lành mà công ty này có vi phạm về chất lượng MBH, bị đoàn liên ngành phát hiện ngày 19-6.
Ông cũng thừa nhận đây là một thiếu sót và ban tổ chức cần phải xem là bài học kinh nghiệm lớn.
_____________________________
Quy trách nhiệm cho chính quyền cấp cơ sở
. Phóng viên: Ông nói đoàn liên ngành dự định kiến nghị lên Thủ tướng nhiều nội dung, cụ thể là gì?
+ Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường: Có thể chúng tôi sẽ đưa vấn đề yêu cầu ngành sản xuất kinh doanh MBH trở thành loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo tôi biết đây cũng là nội dung mà nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính trước đó từng kiến nghị nhiều lần.
. Nhưng ngoài ra cũng cần siết thêm khâu khác trong quy trình để hạn chế tình trạng MBH dỏm chứ?
+ Tôi cho đó là việc quy trách nhiệm của người đứng đầu từng địa phương và trách nhiệm quản lý của các cơ quan khác. Ví dụ, địa phương nào để xảy ra việc sản xuất MBH dỏm nhiều hay để MBH dỏm lộng hành ngoài thị trường thì từng cấp chính quyền cơ sở, các cơ quan quản lý ngành ở địa phương đều phải chịu trách nhiệm.
. Ông nghĩ làm như vậy sẽ ngăn được nạn MBH dỏm?
+ Tôi cho là vậy. Một sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân như MBH thì cơ quan quản lý cần phải hành động quyết liệt ngay.
. Cảm ơn ông.
Mũ dỏm bán tràn lan ở lề đường
Có mặt ở đường Nguyễn Trãi (đoạn phường 2, quận 5) và đoạn ngay cầu Phú Lâm (quận 6) chiều 21-6, chúng tôi ghi nhận hàng ngàn chiếc MBH kém chất lượng vẫn bày bán tràn lan ở vỉa hè. Giá mũ loại này bán khá rẻ, hầu hết dưới 50.000 đồng/cái và nếu có trả mua giá nào, từ khoảng 30.000 đồng trở lên cũng sẽ mua được.
Hỏi một người bán mũ trên cầu Phú Lâm thì chị này cho biết dạo này vẫn bày bán bình thường. “Khi nào thấy có mấy ổng (quản lý thị trường – PV) đến thì chạy, xong đâu lại vào đó thôi!” – chị thản nhiên kể.
Theo ghi nhận thì các loại mũ dỏm ở đây đều không có tên nhà sản xuất, địa chỉ… và nếu có thì đó là tên, địa chỉ, tem CR không thật.
BÙI NHƠN (PL)

Bình luận (0)