Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trị “bệnh” sản xuất manh mún

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng sản phẩm nông nghiệp trúng mùa, rớt giá liên tục diễn ra tại ĐBSCL. Các cảng biển trong vùng được đầu tư manh mún. Vì vậy, một quy chế liên kết vùng là hết sức cần thiết.

Chiều 17-7, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ, đã làm việc với nhiều bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương bàn về liên kết vùng ĐBSCL.


Sản phẩm của ngành trồng trọt tại ĐBSCL rất đa dạng, phong phú nhưng thiếu thị trường ổn định
Muốn phát triển phải liên kết
Dự thảo “Quy chế liên kết vùng ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) soạn thảo. Theo đó, nội dung liên kết gồm liên kết bắt buộc và liên kết tự nguyện. Liên kết bắt buộc gồm các lĩnh vực: quy hoạch; đầu tư xây dựng cơ bản; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, tôm – cá; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục; bảo vệ môi trường, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Lê Hùng Dũng, nói: “Vấn đề liên kết vùng đề ra rất lâu nhưng chưa có hành động cụ thể. Thời gian qua, tình trạng sản phẩm nông nghiệp trúng mùa, rớt giá liên tục diễn ra. Các cảng biển trong vùng đầu tư manh mún. Vì vậy, việc đề ra quy chế liên kết vùng là hết sức cần thiết”. Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đồng tình: “Rời rạc, thiếu đồng bộ nên chúng ta không thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL. Liên kết vùng là đáp án cho bài toán này”.
“Ai cũng muốn cá trong ao mình nhiều hơn”
Nhiều đại biểu cho rằng vấn đề làm sao để chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các địa phương là điều cần bàn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt vấn đề: “Giả sử 3 tỉnh liền kề nhau, có điều kiện sản xuất giống nhau thì sẽ đặt nhà máy ở tỉnh nào? Nếu đặt ở tỉnh này, 2 tỉnh kia không có thì họ thất thu ngân sách. Có thể nghĩ ra cách chia sẻ lợi ích hài hòa được không, đây là vấn đề rất khó”. Ông Võ Thành Hạo ví von: “Chúng ta còn mang tư duy nông dân, người này muốn cá trong ao mình lúc nào cũng nhiều hơn, chất lượng hơn ao của người khác. Như những sản phẩm du lịch, tỉnh nào cũng có chèo xuồng bắt cá, đờn ca tài tử nên du khách chỉ cần đến TP Cần Thơ là khỏi cần tham quan các tỉnh khác”. Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương, không gian du lịch của các tỉnh ĐBSCL như nhau, chẳng ai chịu ai trong chia tuyến, tour.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng có ít nhất 2 vấn đề cần làm và bức thiết nhất của ĐBSCL. Đó là xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển 4 nhóm sản phẩm (lúa gạo, tôm, cá, trái cây). Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, cần xem xét ý kiến các địa phương để chọn lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với đề án liên kết vùng mà BCĐ đang làm (liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, tôm – cá, đào tạo nghề – PV)”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận xét dự thảo chưa hoàn chỉnh nên các địa phương cùng bộ, ngành có liên quan sẽ đóng góp ý kiến thêm lần nữa cho Bộ KH-ĐT. Cần chọn một số lĩnh vực làm trước, làm sao phân chia quyền và lợi ích hài hòa giữa các địa phương. Dự kiến cuối tháng 8, dự thảo hoàn chỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt.
Lập Ban Chỉ đạo liên kết vùng
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết hằng năm ngân sách Trung ương dành tối thiểu 30% mức vốn hỗ trợ có mục tiêu cho vùng ĐBSCL làm nguồn vốn hỗ trợ các dự án liên kết vùng quan trọng. Việc thành lập BCĐ liên kết vùng sẽ được xúc tiến. Theo đó, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ làm trưởng ban; bộ trưởng hoặc thứ trưởng Bộ KH-ĐT làm phó ban thường trực và 4 phó trưởng ban khác. Các địa phương ở ĐBSCL cử chủ tịch tỉnh, thành phố làm thành viên.

 

Bài và ảnh: CA LINH
(NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)