Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nước mắm Phú Quốc và vụ kiện mở đường

Tạp Chí Giáo Dục

Đăng ký độc quyền thương hiệu tại nước ngoài không quá khó nhưng một khi đã để mất thương hiệu thì việc đòi lại rất tốn kém và chưa chắc được

Sau 3 năm thực hiện các thủ tục, mới đây, thương hiệu nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) được Ủy ban châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên hiệp châu Âu (EU). Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết với chứng nhận bảo hộ này, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.

Thương hiệu nước mắm Phú Quốc vừa được Ủy ban châu Âu cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên hiệp châu Âu.
Trong ảnh: Nước mắm Phú Quốc bày bán tại một siêu thị ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Khai lối cho nhiều nông sản
Theo Bộ Công Thương, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ ở cả 28 nước EU. Việc bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU đã nâng cao uy tín thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc tại thị trường EU… và mở đường cho việc đăng ký độc quyền các mặt hàng nông sản tiềm năng khác tại thị trường nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết hiện châu Âu là thị trường xuất khẩu nước mắm chính với khoảng 800.000 lít/năm (tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 1,2-1,5 triệu lít/năm). Với việc được cấp chứng nhận độc quyền, sắp tới, xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị trường này sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo tin từ bà Tịnh, hiện hội đang chuẩn bị kiện các nhà sản xuất nước mắm ở Thái Lan làm giả nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc bán ở châu Âu. Các nhà sản xuất ở Thái Lan chưa đăng ký độc quyền nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tại thị trường nào, kể cả tại Thái Lan. Song song đó, hội cũng chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu nước mắm Phú Quốc tại các thị trường Thái Lan, Hồng Kông…
Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có hàng ngàn loại nông sản có khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng đến nay mới có 35 sản phẩm được đăng ký ở Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, gạo tám xoan Hải Hậu, vải thiều Thanh Hà… Trong số 35 sản phẩm này, chỉ mới có 3 chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, thật ra, việc đăng ký không quá khó bởi thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… Tùy thị trường, thời gian đăng ký và được cấp chứng nhận kéo dài từ hơn một năm đến vài năm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ ở TP HCM, cho biết thường thủ tục xin cấp chứng nhận bảo hộ chỉ phức tạp ở các khâu kê khai hồ sơ, dịch sang tiếng nước ngoài (tại quốc gia xin bảo hộ), các bước khảo sát…
Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”
Do chậm trễ trong việc đăng ký chứng nhận độc quyền tại nước ngoài nên hiện rất nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng bị phía nước ngoài “đánh cắp”, chỉ một số ít trường hợp đòi lại thành công. Có thể kể đến các trường hợp như thương hiệu Trung Nguyên, Vifon… đã bị nước ngoài đăng ký độc quyền tại nhiều quốc gia. Nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhĩ Phan Thiết cũng bị nhái nhãn hiệu tại một số thị trường xuất khẩu.
Một khi thương hiệu đã bị đánh cắp, doanh nghiệp (DN) mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để theo đuổi các vụ kiện nhằm đòi lại thương hiệu nhưng không nhiều trường hợp đòi lại thành công. Một số vụ điển hình là chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đòi lại thương hiệu bị một đối tác ở Trung Quốc làm nhái và đăng ký độc quyền tại quốc gia này. Mới đây, Vinamit đòi lại thành công nhãn hiệu Đức Thành đã bị đối tác đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc từ năm 2007…
“Phải mất 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa, Vinamit mới được thừa nhận là chủ sở hữu thương hiệu Đức Thành. Ngoài khoản chi phí vài trăm ngàn USD thuê luật sư, DN còn phải tốn rất nhiều chi phí khác. Thêm vào đó, mất thương hiệu nghĩa là mất thị trường, sau khi thắng kiện lại phải xây dựng lại thị trường… Thiệt hại DN phải gánh chịu trong quá trình bị đánh cắp, đòi và xây dựng lại thương hiệu là cực kỳ lớn so với chi phí đăng ký độc quyền bảo hộ” – ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit – chia sẻ.
Theo các luật sư, bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài vô cùng quan trọng vì DN muốn xác lập được thị trường ở nước ngoài thì phải có chiến lược tiếp cận và có kế hoạch về nhãn hiệu độc quyền tại thị trường đó. Vẫn còn nhiều DN chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài mà chỉ chú trọng đến tiếp thị, bán hàng. “Khả năng tài chính hạn chế, quy mô DN vừa và nhỏ, không có nhiều kinh nghiệm ở sân chơi quốc tế là những hạn chế lớn của DN Việt trong khai thác cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước ngoài” – một luật sư nhận xét.
Chủ động đối phó
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, trường hợp DN có nhiều dòng sản phẩm không thể đăng ký bảo hộ hết thì phải sử dụng các dịch vụ tư vấn thương hiệu để kịp thời ngăn chặn việc xâm phạm. Tại thị trường Trung Quốc, Vinamit hiện đang xuất khẩu nhiều mặt hàng với nhiều thương hiệu khác nhau nên đơn vị đã thuê hẳn dịch vụ theo dõi thị trường, nếu phát hiện có đơn vị làm nhái, giả hoặc đăng ký độc quyền nhãn hiệu Vinamit thì DN lập tức gửi đơn phản đối. Ngoài ra, ngay tại công ty, Vinamit cũng thành lập nhóm sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu để sẵn sàng ứng phó với các vụ xâm phạm thương hiệu.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)