Chiều 6/8, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố thay Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Ông Trần Mạnh Hùng (ngoài cùng bên trái) giới thiệu hệ thống mạng viễn thông của Hà Nội với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son – Ảnh: ITCnews.. |
Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng Thành viên VNPT – Giám đốc Viễn thông Hà Nội, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VNPT, thay cho ông Vũ Tuấn Hùng. Ông Trần Mạnh Hùng sinh năm 1959, bắt đầu làm việc tại VNPT từ năm 1981.
Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Hùng được điều chuyển về Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc thay “tướng” diễn ra trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh của VNPT ngày càng có xu hướng tụt lùi so với Viettel. Năm 2012, lợi nhuận năm 2012 của VNPT đã giảm 1.500 tỷ đồng. 2012 cũng là năm đánh dấu doanh thu của Viettel lần đầu tiên vượt VNPT và có mức lợi nhuận gấp hơn 3 lần so với VNPT.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, VNPT đạt tổng doanh thu 54.238 tỷ đồng, hoàn thành hơn 41% kế hoạch, tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng lợi nhuận đạt 4.418 tỷ đồng, hoàn thành gần 48% kế hoạch, tăng trưỏng trên 50% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước trên 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với Viettel, VNPT ngày một thua kém. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của Viettel đạt 72.638 tỷ đồng, cao hơn 18.400 tỷ đồng so với VNPT.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và hoạt động kinh doanh, quản lý thu chi tại VNPT. Thanh tra Chính phủ phát hiện VNPT chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với 11 đơn vị.
Ngoài ra, VNPT cũng để xảy ra một số sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai tại 19 đơn vị bưu chính, viễn thông, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, sử dụng sai mục đích đối với khu đất C30 rộng 40ha tại Tp.HCM.
Đặc biệt, kết quả kinh doanh của VNPT từ 2006 đến 2010 không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận đề ra, dẫn đến kết quả vốn chủ sở hữu đến cuối 2010 chưa được bổ sung, thiếu hơn 2.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc trích quỹ khen thưởng phúc lại tại VNPT trong 2 năm 2007 và 2009 lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.
Theo M Chung
VnEconomy
VnEconomy
Bình luận (0)