Quả đúng như mục tiêu của Bộ Y tế, đấu thầu thuốc cung cấp cho các bệnh viện công lập theo quy định mới của Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC đã tiết kiệm đáng kể chi phí mua thuốc cho nhiều địa phương. Và năm 2014 cũng hứa hẹn sẽ tiết kiệm hơn! Nhưng Bộ Y tế hồ hởi với thành quả này bao nhiêu thì không ít công ty dược trong nước “eo sèo” bấy nhiêu vì cạnh tranh không nổi về giá với các công ty dược “thường thường bậc trung” của Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc.
Vậy có mâu thuẫn chăng vì cũng vừa đầu năm 2013, Bộ Y tế đã hoành tráng công bố khởi động Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đây được xem là động thái tích cực nhằm thúc đẩy nền công nghiệp dược phẩm nước nhà, tiến tới thay thế dần thuốc nhập ngoại. Trong khi, theo Bộ Y tế, chi phí tiền thuốc của người bệnh không ngừng tăng lên, từ 17 USD/người/năm vào năm 2007 đã lên tới gần 30 USD/người/năm trong năm 2012. Trong khi theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiền thuốc chiếm tới 60% tổng chi phí khám chữa bệnh của người dân. Đây là một gánh nặng đối với người bệnh nói riêng và xã hội nói chung. Lý giải về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng vì thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu điều trị, còn lại do thuốc ngoại nhập chiếm lĩnh. Với hơn 13.000 mặt hàng thuốc trúng thầu vào các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2012 và 2013 cho thấy giá thuốc nội-ngoại chênh nhau rất lớn. Điều đáng nói, có những thuốc trong nước sản xuất chất lượng ngang bằng thuốc ngoại nhưng không được trúng thầu!
Thực tế năng lực sản xuất thuốc trong nước có thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân. Nhiều nhà máy sản xuất thuốc đã được đầu tư hiện đại, đạt chuẩn châu Âu nhưng trước sức ép cạnh tranh của thuốc ngoại nhập nên hoạt động… cầm chừng. Lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam nhìn nhận các nhà máy sản xuất thuốc của Việt Nam mới chỉ hoạt động trung bình 47% công suất, tức có thể sản xuất ra sản lượng thuốc gấp đôi hiện nay. Đáng lẽ theo chỉ đạo của Chính phủ phấn đấu tỷ trọng thuốc trong nước phải đáp ứng 60% tổng giá trị sử dụng vào năm 2010 nhưng cũng chưa đạt được. Vậy mà Bộ Y tế định hướng đến năm 2020 phải đáp ứng được 80% tổng giá trị sử dụng của toàn dân, đảm bảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 3 tiêu chí: kinh tế – y tế – xã hội… thì có mơ hồ!?
Để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng không thể nào khác hơn là tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo niềm tin cho người dân, cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của chính y bác sĩ trong việc kê toa thuốc sản xuất trong nước. Đồng thời phải có những chế tài cụ thể đối với những cơ sở khám chữa bệnh, y bác sĩ “sính” thuốc ngoại không cần thiết. Còn ở góc độ BHYT, cần có cơ chế thanh toán thuốc BHYT theo hướng ưu tiên thanh toán thuốc sản xuất trong nước. Đối với các trường hợp bệnh có nhiều lựa chọn thuốc thì hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh chọn thuốc nước ngoài mà không có chế tài xử lý. Đồng thời nếu được quy hoạch và định hướng tốt cùng với các chính sách đi kèm thì khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng thuốc sản xuất trong nước là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, để làm được điều đó phải tạo hành lang pháp lý, nhất là cần có sự điều chỉnh đối với các tiêu chí kỹ thuật tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, để cho thuốc sản xuất trong nước được phân phối đúng với giá trị thực, cạnh tranh được với thuốc nhập ngoại. Từ đó, các doanh nghiệp dược trong nước mới có điều kiện tái đầu tư sản xuất và phát triển…
Với dự báo của Bộ Y tế, chi phí y tế chiếm khoảng 6% GDP và gia tăng 11,4%/năm vào năm 2020, trong đó một phần không nhỏ dành cho tiền thuốc thang với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng lên tới khoảng hơn 2 tỷ USD/năm. Trong đó, số tiền chi cho thuốc ngoại nhập chiếm một phần không phải ít. Điều đó đồng nghĩa nếu ngành dược trong nước không được tạo chính sách cạnh tranh thì “sân chơi” lại nghiêng về phía các công ty dược nước ngoài.
TƯỜNG LÂM (SGGP)
Bình luận (0)