Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong dịp thăm và làm việc tại Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) mới đây. Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ VWS sớm hoàn thành dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại tỉnh Long An để góp phần hạn chế vấn đề rác thải đang cấp bách hiện nay.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham quan mô hình Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Công ty VWS làm chủ đầu tư.
Công nghệ xử lý rác còn hạn chế
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm công tác quản lý chất thải rắn (CTR), đồng thời chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng cơ sở CTR phải hạn chế sử dụng phương pháp chôn lấp không đạt tiêu chuẩn về môi trường. Theo dự tính, tổng lượng CTR thải ra tại đô thị khoảng 31.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 83%, đa phần do các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực môi trường, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia thu gom, vận chuyển CTR tại các đô thị. Hiện cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô trên 1.800ha, nhưng trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977ha). Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác.
Tại nông thôn, lượng rác thải ra khoảng 30.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác vùng nông thôn còn thấp, khoảng 40% – 55% tùy địa phương. Công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều hạn chế, do không tập trung được lượng rác khi người dân tự thu gom. Với hiện trạng như trên, việc thu gom, xử lý CTR đang là vấn đề cấp bách ở đô thị và khu vực dân cư nông thôn. Việc chôn lấp không hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và chiếm nhiều diện tích. Các nhà máy xử lý CTR hoạt động chưa đạt hiệu quả cao do công nghệ chưa hoàn chỉnh, nguồn kinh phí cho việc vận hành khó khăn, dẫn đến hoạt động cầm chừng…
Trong 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM có lượng rác thải sinh hoạt nhiều nhất, chiếm hơn phân nửa tổng lượng chất thải sinh hoạt toàn vùng. Với đặc thù có rất nhiều khu công nghiệp nên lượng chất thải công nghiệp và đặc biệt là chất thải nguy hại cũng nhiều, tương đương với rác thải sinh hoạt. Hiện khối lượng CTR phát sinh của 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) hơn 10.000 tấn/ngày, trong đó TPHCM khoảng 7.000 tấn/ngày. Ước tính khối lượng CTR sinh hoạt của cả vùng đến năm 2020 sẽ lên đến 20.000 tấn/ngày, trong đó TPHCM khoảng 10.000 tấn/ngày. Với lượng rác thải ngày một tăng như vậy, rất cần những nhà máy xử lý CTR có công suất lớn sử dụng những công nghệ hiện đại mới có thể giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ rác thải.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến
Vừa qua, VWS đã công bố đầu tư xây dựng dự án “Khu công nghệ môi trường xanh” với quy mô hơn 1.700ha, công suất xử lý đến 40.000 tấn/ngày, thời hạn sử dụng từ 75 – 100 năm, tổng chi phí đầu tư hơn 700 triệu USD. Dự án này có khả năng xử lý đủ loại chất thải, từ rác thải sinh hoạt đến các loại rác thải nguy hại, rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, bùn cống rãnh bị ô nhiễm, nước thải và vỏ xe cũ…
Khi được hỏi hiệu quả của dự án “Khu công nghệ môi trường xanh”, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VWS, cho biết: “Đối với lĩnh vực xử lý rác, nếu như mỗi tỉnh, thành phố trong vùng đều xây dựng một khu xử lý riêng, quy mô nhỏ lẻ thì hiệu quả đầu tư chắc chắn sẽ không bằng việc xây dựng một khu xử lý tập trung cho cả vùng. Với chiến lược xử lý lâu dài từ 75 – 100 năm cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nghệ sẽ được đầu tư cao, bền vững và lâu dài. Đồng thời, giá thành xử lý chất thải phù hợp với ngân sách và điều kiện của TPHCM và các tỉnh trong vùng. Dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được ngân sách về kiểm tra, quản lý và bảo vệ môi trường, vì chỉ cần tập trung kiểm tra một địa điểm là Khu công nghệ môi trường xanh. Bên cạnh đó, một số tuyến đường cũng được xây dựng để phục vụ công tác vận chuyển chất thải, đồng thời góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng trong vùng”.
Theo dự án, nhà máy sẽ có nhiều hệ thống phân loại, tái sử dụng và tái chế các loại chất thải thành những vật liệu hữu ích, được phân bố tại các khu như: khu sản xuất phân compost có công suất lớn; khu tái sinh, tái chế chất thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại; khu chôn lấp ủ lấy khí metan sản xuất điện năng an toàn và hợp vệ sinh theo công nghệ Hoa Kỳ, có thể cung ứng năng lượng điện cho quốc gia… Ngoài ra, một khu công nghiệp xanh và tái chế được xây dựng ngay trong khu xử lý chất thải công nghệ xanh. Khu công nghiệp này được xây dựng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong các ngành sản xuất và tái chế vật liệu như giấy, nhựa, các ngành công nghiệp sử dụng vật liệu tái chế và các trung tâm nghiên cứu về vật liệu tái chế vào đây đầu tư xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu. Hệ thống dây chuyền cùng các quy trình xử lý nước thải với công suất lớn của dự án cũng có thể xử lý hết khối lượng nước thải thu được từ các tỉnh, thành phố lân cận, giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, hệ thống vành đai cây xanh cách ly cũng được giữ lại diện tích rừng hiện tại.
Ông David Dương khẳng định: “Đây sẽ là một mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng của người dân trong nước và bà con Việt kiều muốn góp sức cho sự phát triển của đất nước”. Ông David Dương cũng chia sẻ thêm: “Tôi rất tiếc về sự việc xảy ra giữa tháng 5 vừa qua ở Bình Dương và Hà Tĩnh, nhưng sau đó Chính phủ đã có những hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp nước ngoài. Những hành động thiết thực của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp chúng tôi có niềm tin vững chắc khi quyết định đầu tư tại quê nhà”.
ĐĂNG QUANG
(SGGP)
Bình luận (0)