Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bộ Giao thông Vận tải trần tình vụ bán dây chuyền nạo vét trên sông Lô

Tạp Chí Giáo Dục

Liên quan đến việc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 bán tài sản là dây chuyền nạo vét trên sông Lô trị có giá 7,18 tỷ đồng nhưng lại đấu giá bán giá sắt vụ, Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông cáo, trong đó khẳng định, quyết định cho thanh lý của Bộ và Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam là hợp lý và đúng theo quy định của pháp luật.

Thông cáo nêu rõ, dây chuyền nạo vét trang bị cho Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 là hạng mục của dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng-Sơn La được Bộ Giao thông Vận tải ký Quyết định đầu tư số 3180/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2003.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Sau thời gian triển khai dự án, ngày 27/9/2006 Cục Đường sông Việt Nam (nay là Cục Đường thủy Nội địa) đã có Quyết định bàn giao tài sản số 1402/QĐ-CĐS cho Đoạn Quản lý đường sông số 1 quản lý và khai thác.

Tuy nhiên, sau khi bàn giao, Đoạn Quản lý đường sông số 1 đưa dây chuyền vào nạo vét nhưng không làm được do cần gầu quá ngắn, lưỡi cuốc không với được tới đáy sông đồng thời giá thành cho 1m3 nạo vét từ dây chuyền này đắt gấp 1,5-2 lần so với 1m3 nạo vét bằng các phương tiện khác.

Lý giải thực tế này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ nguyên nhân là do luồng lạch trên sông Lô sau nhiều năm khai thác cát đá sỏi đã rất sâu, các bãi có chiều sâu từ 5-20m, trong khi cần gầu múc chỉ dài 3m. Lỗi này thuộc về đơn vị thiết kế khi lấy số liệu luồng lạch 1995-2002 là thời kỳ sông Lô rất khan cạn chỉ đảm bảo độ sâu 1-1,3m vào mùa cạn làm cơ sở thiết kế và không dự báo được diễn biến tình hình luồng lạch, kinh tế xã hội vùng dự án.

Hơn nữa, thời kỳ sau năm 2000, đặc biệt từ năm 2005 đến nay, không những sông Lô mà các tuyến sông khác của miền Bắc cũng rất sâu, bảo đảm chuẩn tắc ở mực nước thấp nhất cũng 2,5-3m trở nên.

“Vì vậy dây chuyền này không được sử dụng, cũng không bán được và do không tham gia vào công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa nên không có kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng. Sau gần 10 năm trên sông nước phương tiện đã xuống cấp nghiêm trọng,” thông cáo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Trước tình hình trên, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 đã có văn bản xin được thanh lý dây chuyền nạo vét, nhất là đơn vị đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức sang đơn vị cổ phần hóa, nhằm không đưa dây truyền vào giá trị doanh nghiệp, dẫn đến tăng tài sản mà không làm ra được sản phẩm.

Xét thấy đề nghị của Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 là hợp lý, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường thủy Nội địa đã cho phép đơn vị này tổ chức bán dây chuyền nạo vét với giá trị còn lại sau khấu hao của dây chuyền nạo vét là 449 triệu đồng dựa trên thẩm định giá của Công ty cổ phần định giá tư vấn đầu tư quốc tế.

Sau khi có kết quả thẩm định giá, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 đã có văn bản chỉ định đơn vị bán đấu giá là Công ty cố phần đấu giá Thành An và đã bán đấu giá được dây chuyền nạo vét với giá là 562 triệu đồng; đơn vị trúng thầu là Hợp tác xã vận tải Mùa Xuân.

“Như vậy, có thể thấy, đã có những sai sót trong khâu thiết kế dẫn đến dây chuyền nạo vét mà Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 quản lý đã không sử dụng được; việc đề nghị xin thanh lý của đơn vị trên và quyết định cho thanh lý của Bộ và Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam là hợp lý và việc bán thanh lý dây chuyền nạo vét của Đoạn Quảng lý đường thủy nội địa số 1 là hoàn toàn đúng theo quy định hiện hành,” thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ./.

Việt Hùng

(Vietnam+)

Bình luận (0)