Ngày 24.12, trước những biến động lao động tại TPHCM, đại diện Bộ LĐTBXH đã làm việc với Sở LĐTBXH để nắm bắt tình hình và cùng bàn bạc những giải pháp khắc phục. Các chuyên gia nhận định, tình hình hiện tại chưa đến mức gay gắt, nhưng đầu năm 2009 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Biến động lao động đột biến
Theo LĐLĐ TPHCM, trong năm 2008 có 31 DN phải giải thể hoặc cắt giảm LĐ do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tổng số LĐ bị mất việc là 8.309 người. LĐLĐ TP đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện tập trung giải quyết việc làm cho số LĐ trên.
Ông Trương Lâm Danh – Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM – cho biết: "6.554 công nhân (CN) đã tìm được việc làm, 352 người đang ốm đau, thai sản, một số trở về quê. Như vậy, chỉ có trên 10% số LĐ mất việc (khoảng 1.400 người) rơi vào tình trạng thất nghiệp thật sự".
Theo Ban quản lý các KCX, KCN (Hepza), so với cùng kỳ năm ngoái, số LĐ đang làm việc trong các DN thuộc Hepza giảm khoảng 7.000 người. Bà Đoàn Thị Thanh Hà – Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc Hepza – gọi giai đoạn cuối năm 2008 là "cú sốc" về LĐ, bởi diễn biến thực tế nằm ngoài dự đoán, trong đợt biến động này đã có 2.400 LĐ bị cắt giảm. Trước đó, Sở LĐTBXH đã thông báo 14 DN giải thể hoặc cắt giảm gần 4.000 LĐ.
Đại diện Sở LĐTBXH, LĐLĐ TPHCM và Hepza đều thống nhất: Tình hình biến động LĐ chưa đến mức gay gắt, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong khi một số DN gặp khó khăn phải cắt giảm LĐ, vẫn có những DN khác đang khan hiếm nhân lực.
Ông Trương Lâm Danh đưa ra ví dụ: "Ngay trong ngày 23.12, có ba DN mới mở cửa đầu tháng 10 gặp khó khăn phải giải thể. Ngay lập tức, 700 CN vừa mất việc tại 3 DN này được những nơi khác nhận về làm".
Bà Đoàn Thị Thu Hà cũng dẫn chứng những đơn đặt hàng hàng nghìn LĐ trong khu vực Hepza quản lý. Theo đánh giá của Hepza, những DN vệ tinh mới gặp phải khó khăn thật sự, còn phần lớn DN vẫn đang cố gắng cầm cự, bởi họ không hề muốn mất LĐ đã có kinh nghiệm làm việc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Xê – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH – cảnh báo: "Khó khăn thực sự sẽ đến vào năm 2009, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán. Thị trường LĐ sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch và sức chịu đựng của nhiều DN cũng chỉ có giới hạn. Những lĩnh vực như may mặc, giày da, chế biến gỗ,… sẽ tiếp tục có những biến động mạnh trong năm 2009".
Phải giải được "bài toán dự báo"
Ông Phạm Minh Huân – Vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương, Bộ LĐTBXH – đề nghị: "Quan trọng nhất là phải dự báo được tình hình việc làm. Nếu tình hình kinh tế khó khăn, rất có khả năng LĐ từ các tỉnh khác sẽ đổ dồn về các TP lớn, trong đó có TPHCM". Ông Huân đặt ra vấn đề số liệu thống kê LĐ mất việc, lương, thưởng có sát với thực tế không. Nếu số liệu thống kê không tốt, sẽ gây khó khăn trong việc dự báo và đưa ra giải pháp bình ổn.
Ông Nguyễn Văn Xê cho biết: "Sở LĐTBXH đã đề nghị 8 trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc và trên 30 DN có chức năng giới thiệu việc làm chuẩn bị kênh giúp đỡ người LĐ. Đồng thời, huy động các DN xuất khẩu lao động tham gia chương trình".
Được biết, UBND TPHCM đã có kế hoạch để đảm bảo hài hòa quan hệ LĐ trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phân rõ nhiệm vụ cụ thể cho các bên có liên quan, như Sở LĐTBXH, LĐLĐ và Hepza trong việc tạo việc làm, ổn định đời sống cho người LĐ. Hiện nay, LĐLĐ TPHCM đang tích cực thống kê và thực hiện việc hỗ trợ cho những người LĐ mất việc, đặc biệt là những người đang trong chế độ thai sản, ốm đau.
Bình luận (0)