Người LĐ có tay nghề có thể vững tâm trong thời điểm khó khăn. |
Những con số báo cáo doanh nghiệp (DN) giải thể hay cắt giảm lao động (LĐ) đã phủ màu xám lên bức tranh việc làm cuối năm. Tuy nhiên, theo Sở LĐTBXH TPHCM, đây chính là thời điểm cơ cấu lại thị trường LĐ và nhiều cơ hội vẫn mở ra với cả DN và người LĐ.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất TPHCM (Hepza), tổng số LĐ đang làm việc tại các DN do Hepza quản lý ít hơn khoảng 7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Phía Hepza cho rằng, có những LĐ bị mất việc tạm thời do phía DN đang gặp khó khăn, khủng hoảng. Nhưng cũng có nhiều LĐ chủ động xin nghỉ việc ra làm ở những DN bên ngoài Hepza.
Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết: "Hiện vẫn có nhiều DN đang khát LĐ, như trong đợt khảo sát DN hồi đầu tháng, tôi thấy có DN Hàn Quốc cần 1.200 công nhân để hoạt động. Nhưng lúc nào cũng thiếu khoảng 500 – 600".
Các chuyên gia về LĐ của Sở LĐTBXH nhận định, hầu hết những DN đang gặp khó khăn là những DN vệ tinh, làm đơn hàng hợp đồng kiểu "ăn xổi ở thì". Trước đây họ cũng không bỏ công đào tạo LĐ mà dùng thu nhập để hút từ các DN khác. Hiện giờ, số LĐ này được rất nhiều DN giang tay đón chào vì có tay nghề sẵn, không phải đào tạo.
Đối với người LĐ bị mất việc tạm thời, cơ hội chỉ thực sự đến với những người có trình độ tay nghề ổn định. Ở KCX Tân Thuận (quận 7), không hiếm những băng rôn tuyển LĐ. Nhưng khác với những năm trước, hiếm có DN ghi đăng tuyển LĐ phổ thông mà đều ghi rõ "Tuyển công nhân may mặc" hay "Tuyển dụng thợ cơ khí".
Ông Lê Thành Tâm nhận định: "Tại TPHCM, số LĐ nhập cư chiếm trên 60%. Những năm trước sự thâm dụng LĐ phổ thông dẫn đến cuộc chiến tranh giành nhân lực gay gắt giữa các DN. Nhưng hiện tại, đang có sự chuyển dịch cơ cấu LĐ, các DN đang chuyển dần sang LĐ có kỹ thuật và hàm lượng chất xám cao đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghệ".
Tuy nhiên, Sở LĐTBXH và Hepza đều nhận thấy những khó khăn của thị trường LĐ vẫn còn ở phía trước. Hiện nhiều DN vẫn đang gắng gượng "cầm cự" bằng cách dãn thợ, cho nghỉ không lương.
Bà Đoàn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Quản lý Lao động thuộc Hepza cho biết: "Không loại trừ khả năng nhiều DN dãn thợ theo hình thức cho nghỉ Tết dài hơn, người LĐ sẽ không có thu nhập và phải tự xin nghỉ việc để tìm nơi khác".
Bình luận (0)