Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thưởng Tết ít, lao động không đủ tiền về quê

Tạp Chí Giáo Dục

Càng về cuối năm, nhiều công nhân xa nhà càng ngậm ngùi khi tính ra,  tiền thưởng Tết không đủ chi phí tàu xe về quê. Thậm chí, có người chỉ mong được trả lương đầy đủ và chuẩn bị tâm thế ăn Tết xa nhà vì không có tiền thưởng hoặc thưởng Tết quá ít, không đủ để về quê.
Thưởng Tết liệu có đủ tiền về quê? 
Điều này đang là thực tế ở nhiều KCN lớn tại các tỉnh phía Nam, khi mà thưởng Tết không có hoặc có ít, trong khi quê quán công nhân hầu hết ở xa. 
Chị Trần Thị Hoa quê ở Hà Tây, đang làm việc tại Công ty Nessei Electronic VN (KCN Sóng Thần, Bình Dương) lo lắng: "Làm công nhân, lương tháng chẳng bao nhiêu, giá cả lại tăng vùn vụt nên tiền dành dụm hầu như không có. Chính vì thế mà tiền tiêu Tết và về quê trông chờ cả vào thưởng. Nhưng nghe nói hình như năm nay thưởng ít hơn năm trước. Không biết rồi có đủ tiền tàu xe về quê không nữa".
Thực tế cho thấy, thưởng Tết năm nay thấp hơn năm ngoái khiến nhiều công nhân hoang mang. Thậm chí, với  những doanh nghiệp có mức thưởng bằng với năm ngoái thì trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, mang số tiền ấy mà đi sắm Tết thì chỉ bằng 1 nửa năm ngoái. Chính vì vậy, mặc dù mức thưởng bằng với năm ngoái nhưng nhiều công nhân vẫn lo lắng.
Chị Phan Thị Nhàn, công nhân Công ty TNHH Đại Hoàng Hảo (Tân Phú, TP.HCM) than thở: "Năm nay làm ăn khó khăn, việc công ty vẫn đảm bảo mức thưởng bằng năm ngoái là tốt lắm rồi. Nhưng với số tiền ấy, năm ngoái có thể sắm được cái Tết tươm tất cho gia đình thì năm nay có khi chỉ đủ gói mấy chục bánh chưng. Cũng may, công ty có hỗ trợ thêm một phần tiền tàu xe chứ không chắc phải ở lại Sài Gòn ăn Tết".
Hầu như, đối với những công nhân rời xa quê hương vào TP.HCM kiếm sống, họ chấp nhận chịu khổ cực để mỗi tháng có thể dành dụm được một vài trăm nghìn gửi về cho gia đình hoặc ít ra đi cả năm, Tết về cũng có tiền đưa mẹ sắm Tết rồi mua quà cáp cho họ hàng. Chính vì thế, khi thấy tiền thưởng Tết quá ít, họ đành ở lại còn hơn về quê với hai bàn tay trắng.
Chị Đinh Thị Tuyết Nga, làm việc tại Công ty Taiyuan xác định, Tết này không về vì nghe nói, khoản thưởng của công ty lấy lương cơ bản chia cho 12 tháng rồi nhân với số tháng đã làm việc, mà chị là công nhân mới vào nên chắc chẳng đáng là bao. “Không đủ tiền về quê nên đành chấp nhận ở lại thôi” – chị Nga ngậm ngùi chia sẻ.
Với công nhân, về quê hay ở lại tất cả đều trông chờ vào thưởng Tết nên ai cũng hồi hộp chờ công bố thưởng của công ty. Tính đến nay, một số doanh nghiệp đã báo cáo lên Sở LĐTBXH mức thưởng Tết nhưng công nhân của họ thì hầu như chưa được biết. Họ ngóng đợi từng ngày thời điểm công ty công bố mức thưởng năm nay. 
Chị Đỗ Tuyết Lan, quê Thái Bình, công nhân của Công ty Huê Phong lo lắng: "Năm nay tình hình công ty rối ren, xảy ra đình công nhiều lần nên không biết có được thưởng không nữa".
Cuối năm, không còn thấy cảnh công nhân phải tăng ca nhiều để kịp đơn hàng như những năm trước nữa. Công nhân nhiều thời gian hơn nhưng thu nhập lại giảm sút rõ rệt và đương nhiên, khoản thưởng Tết càng trở nên quan trọng đối với họ. 
Ngao ngán "thưởng tượng trưng"
Với những công nhân đang làm việc tại những doanh nghiệp còn khả năng sản xuất thì vẫn còn hi vọng có thưởng Tết, dù ít hay nhiều. Nhưng với những công nhân mà việc đòi được những đồng lương bị nợ đã khó thì trông chờ gì đến chuyện thưởng Tết.  
Mới đây, mấy trăm công nhân của Công ty TNHH IL Shincap (100% Hàn Quốc, có trụ sở tại huyện Bình Chánh – TP.HCM) đã lên tiếng cầu cứu các cơ quan chức năng huyện vì hai tuần nay, họ phải nghỉ chờ việc vì công ty không có đơn hàng. 
Tiền lương tháng 11 họ chưa được nhận, công ty cứ hẹn tới hẹn lui không chịu thanh toán. Trong khi đó, nhiều công nhân đã phải đi vay để sống. Hiện nay, họ chỉ mong có thể đòi được khoản tiền lương công ty nợ, chứ cũng không hi vọng gì vào khoản thưởng Tết.
Chị Mai Ngọc An, công nhân của Công ty Shincap buồn rầu than: "Từ khi nghỉ việc đến nay, đã 3 lần chúng tôi đến công ty nhận lương theo lịch hẹn của giám đốc, nhưng lần nào cũng về tay trắng. Không biết Tết này sẽ thế nào đây? Về quê thì không có tiền, mà ở lại thì lấy gì mà sống? Đi vay mãi rồi người ta cũng “kiềng” không cho vay nữa".
Chứng kiến niềm vui của những công nhân Công ty Air Camp nhận 500 ngàn tiền tiền “tạm ứng”, nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Công ty không có đơn hàng, ngưng sản xuất  nên buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, lương của công nhân chưa thanh toán hết. Và sau nhiều ngày chầu chực chờ lương, khi cầm 500 ngàn đồng trên tay, nhiều công nhân đã không giấu được niềm vui. Nhưng sau đó, niềm vui vụt tắt, thay vào đó là sự ngao ngán và lo âu vì số tiền đó chẳng ở trong tay họ được bao lâu, vì phải mang đi trả nợ.
Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân của Công ty Air Camp ngậm ngùi: "Số tiền này chỉ đủ trả nợ 2 tháng tiền nhà. Trả xong rồi lại trắng tay và mỏi mòn chờ công ty trả số nợ còn lại".
Với những công nhân do công ty cắt giảm nhân sự nên buộc phải nghỉ việc phải đi xin việc ở công ty khác thì thưởng Tết với họ hầu như là… trong mơ.  Xin vào công ty mới vào thời điểm cuối năm, họ hầu như không có thưởng. May ra, nhiều công ty cũng có thưởng nhưng chỉ là số tiền tượng trưng 50 ngàn đồng hoặc 100 ngàn đồng. 
“Biết thân biết phận”, nên họ hầu như không mong chờ gì đến thưởng Tết, nói như chị Nguyễn Thị Vui từng là công nhân của Công ty Quang Sung Vina thì… “không thèm nghĩ đến nó nữa cho đỡ tủi”. 
H. chuyên viên kinh doanh của của một công ty dệt may thuộc khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (TP.Thái Bình) thở dài sườn sượt trong máy điện thoại khi P.V VietNamNet hỏi thăm về tình hình lương thưởng tết: “Ôi giời, giờ công nhân kiếm được việc làm để tồn tại đã may, chứ mong gì chuyện thưởng tết”
Công ty của H. vừa thực hiện một đợt cắt giảm nhân sự. Thực ra là cho lứa công nhân cũ hưởng lương cao rồi nghỉ, thay vào đó là lứa công nhân mới. 
“Công ty tư nhân mà, đành phải làm thế. Biết là công nhân mới vào còn bỡ ngỡ, lứa cũ thì đã lành nghề, nhưng không kiếm được đơn hàng mà quỹ lương ngày càng phình ra là chết” – H. sành sỏi. 
Ban đầu, công ty của H. đặt nhà xưởng tại Thái Bình vì hy vọng nhân công tỉnh lẻ giá rẻ. Tuy nhiên, việc kiếm các đơn hàng thời điểm kinh tế suy giảm cũng trở nên khó khăn hơn so với các công ty đóng tại các khu công nghiệp của Hà Nội, hay TP.HCM. Thậm chí, có thời gian công ty của H. phải chấp nhận làm “chi nhánh” cho một công ty khác trên Hà Nội để duy trì hoạt động. 
“Năm nay khả năng chỉ có vài ba trăm nghìn cho mỗi công nhân, công ty sẽ gọi đó sẽ là tiền hỗ trợ chứ không phải tiền thưởng Tết” – H. nói – “Các công nhân cũng thực tế, họ biết kiếm được việc làm thời buổi này đã khó, nói gì đến thưởng Tết”.
Nhiều công nhân ngoại tỉnh sẽ không về Tết 
Chị Hồ Thị Hường, quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), công nhân của Công ty Trúc Thư chuyên sản xuất ván ép gỗ ở KCN Phú Bài (Huế) cho biết: “Bữa trước, tụi em nghe nói Tết này mỗi công nhân được thưởng từ 200- 300 ngàn đồng”.
Cùng với chị Hường, tại Công ty Trúc Thư có khoảng vài chục lao động ngoại tỉnh đến Huế xin làm việc. Với mức lương 800 ngàn đồng/người/tháng, mà nhà lại ở xa nên hầu hết công nhân ở đây đều thuê phòng trọ 4-5 người tá túc trong 1 phòng. Các công nhân này cho biết, dự kiến mức thưởng tết rất thấp nên hầu hết chị em công nhân ngoại tỉnh đều lên kế hoạch ở lại Huế ăn Tết.
Chị Nguyễn Thị Hà bộc bạch: “Với mức thưởng tết rất thấp, Tết nay tụi em chắc khó có cơ hội về quê thăm nhà”. Vừa trò chuyện, chị Hà vừa nhẩm tính: Nếu ra vô tiền xe cũng hết 400 ngàn đồng, chưa kể tiền mua quà bánh đem về quê cho gia đình sau cả năm đi làm ăn xa. 
Anh Trần Văn Thuận, quê ở Thanh Hoá, công nhân của một xưởng gỗ tư nhân cho biết: “Năm nay, đơn đặt hàng của cơ sở rất ít, nên chế độ thưởng Tết cho công nhân cũng rất “bèo”, chỉ có 200 ngàn đồng/công nhân. Mức thưởng Tết quá thấp và lương công nhân chỉ đủ ăn, nên mong muốn về quê ăn Tết, sum vầy bên gia đình không thể thực hiện được". 
Anh Thuận còn cho biết, anh và một số anh em ngoại tỉnh không có điều kiện về quê ăn Tết đã lên kế hoạch góp tiền thưởng đó lại để mua mứt, nấu bánh tét tập thể.
Và với tình cảnh như hiện nay thì đường về quê của nhiều công nhân đúng là xa vời vợi. Không hi vọng về quê, họ chấp nhận ở lại thành phố ăn một cái Tết lầm lụi với những giọt nước mắt chắc chắn sẽ rơi trong đêm giao thừa.
Hà Dịu – Ngọc Lan – Cao Minh (VNE)
 

Bình luận (0)