Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Nhân lực – ‘chìa khoá’ chuyển đổi số thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Để chuyển đổi số thành công thì phát triển nguồn nhân lực nhằm đón đầu xu thế giữ vai trò mang tính quyết định.
Kỷ nguyên số mang lại nhiều cơ hội
Hiện nay, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, mà còn cả của người lao động. Tốc độ phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ cũng như sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm qua đã khiến doanh nghiệp và người lao động nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Theo báo cáo Mức độ sẵn sàng về Kỹ năng số Việt Nam – PwC lần đầu công bố, những thay đổi về việc làm đang cận kề, và sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, 83% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng, công việc của họ sẽ thay đổi trong vòng 3-5 năm tới, và tỷ lệ này cao hơn, ở mức 90% người được hỏi khi xét về trung hạn (6-10 năm).
Nhận thức về thay đổi mà công nghệ mang lại cũng song hành với sự lạc quan, khi 90% người được hỏi tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ cải thiện triển vọng việc làm của họ trong tương lai. Chỉ số này cao hơn so với tỷ lệ 60% ghi nhận được ở cấp độ toàn cầu trong một khảo sát tương tự về “Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực” toàn cầu do PwC thực hiện năm 2019.
Nhấn mạnh vai trò của nhân sự trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, khi các doanh nghiệp muốn đẩy nhanh phát triển công nghệ, cần lưu ý ở từng giai đoạn, yếu tố con người đều đóng vai trò quan trọng.
Việc ưu tiên nâng cấp hay đầu tư vào công nghệ có thể diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên sẽ cần những nỗ lực dài hạn, liên tục để trang bị và trau dồi cho nhân viên những kỹ năng cần thiết trong tương lai. Những nỗ lực này sẽ không chỉ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực, mà còn là nội lực mạnh mẽ cho tăng trưởng doanh nghiệp khi kỷ nguyên số đang mang đến nhiều thay đổi.
Không chỉ sẵn sàng đón nhận cơ hội mới mà người lao động cũng sẵn sàng thay đổi, đào tạo để thích nghi. Kết quả từ báo cáo cho thấy có tới 93% đã và đang học các kỹ năng mới để hiểu rõ hơn hoặc sử dụng công nghệ tốt hơn. Các kỹ năng liên quan tới kỹ thuật số được chú trọng, với 43% người tham gia khảo sát chia sẻ nguyện vọng trở nên thành thạo hơn trong việc học và tiếp thu các công nghệ mới, và 34% muốn phát triển kỹ năng chuyên sâu hơn với một công nghệ cụ thể.
“Việc nâng cao kỹ năng hay đào tạo lại nguồn nhân lực là nhu cầu ngày một quan trọng để họ có thể tham gia vào nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và Chính phủ cần hợp tác để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng những nhu cầu về nhân lực trong tương lai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm cho Việt Nam”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhận định.
Lãnh đạo là “nhà dẫn dắt”
Chuyển đổi số không chỉ là cuộc chơi về công nghệ, mà còn là quá trình thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và mọi người trong doanh nghiệp, tổ chức. Bà Nguyễn Hiền Giang, Trưởng phòng cao cấp dịch vụ tư vấn nhân sự và tổ chức tại PwC Việt Nam cho rằng, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Người đứng đầu doanh nghiệp cần hiểu và nắm được giá trị của chuyển đổi số để đưa vào chiến lược kinh doanh của đơn vị mình. Họ cần làm thế nào để truyền cảm hứng cho nhân viên, sự thành công của chuyển đổi công nghệ sẽ được quyết định ngay trong tư duy và tầm nhìn từ các cấp lãnh đạo lan tỏa đến các cấp nhân viên.
Theo bà Giang, khi đầu tư một hệ thống công nghệ mới thường có những mâu thuẫn về nhận thức ở một số bộ phận người lao động từ lý do tại sao, cái lợi khi họ thay đổi, tự đào tạo,… Chính vì thế, người lãnh đạo cần tạo ra tầm nhìn và sự đồng thuận về chiến lược ứng dụng công nghệ trong quản trị để có thể đưa doanh nghiệp đi vững, bước xa.
Chuyển đổi số không thể thành công nếu nó chỉ xuất phát từ phía lãnh đạo doanh nghiệp. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhận định, văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố đóng góp lớn vào sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số, văn hóa mới trong tổ chức phải được thiết lập, đảm bảo các nhân viên tin vào tiềm năng chuyển đổi số.
Đầu tư cho chuyển đổi số sẽ kéo theo các chi phí ban đầu, tuy nhiên khi vận hành triển khai sẽ tiết kiệm được nhiều hơn, giúp cho doanh nghiệp không còn phải chịu gánh nặng về tài chính. Họ cần dành thời gian để nghĩ đến một kết quả cuối cùng mà chuyển đổi số mang lại.
Đưa ra những kiến nghị, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc chuyển đổi số công ty PwC Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của cơ quan Nhà nước trong chuyển đổi số. Chính phủ giữ vai trò nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế trong tương lai không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, từ đó đưa thông điệp đến doanh nghiệp, hoạch định chính sách, xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo nhân lực.
Doãn Phong (theo vietnamnet)

Bình luận (0)