Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Công nhân thủy sản điêu đứng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do khan hiếm tôm nguyên liệu, nhiều công ty chỉ hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân – Ảnh: T.T.P

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm ở ĐBSCL hiện chỉ hoạt động cầm chừng do khan hiếm nguyên liệu, kéo theo hàng chục ngàn lao động phải mất việc.

Chưa bao giờ, công nhân (CN) tại các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm ở khu vực ĐBSCL lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Hàng loạt CN bị mất việc làm, giảm thu nhập, nhiều CN phải đi làm thêm đủ nghề, có người còn chạy xe ôm để kiếm sống…

Bươn chải

Chị Nguyễn Thị Lan là CN lột tôm cho Công ty cổ phần chế biến thủy sản Việt Cường (xã Vĩnh Trạch, TX Bạc Liêu, Bạc Liêu). Do thiếu tôm nguyên liệu nên công ty cho nghỉ việc gần 2 tháng qua. Chị Lan tâm sự: "Trước đây tôi làm việc cho công ty thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Từ ngày mất việc, hai vợ chồng phải bươn chải lắm mới đủ tiền xoay xở".

 
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế trong năm 2009 chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động (LĐ) bị mất việc làm thì được Nhà nước cho vay để thanh toán… Đối với người LĐ bị mất việc làm tại DN mà chủ DN bỏ trốn trong năm 2009, Thủ tướng đồng ý để UBND cấp tỉnh ứng ngân sách địa phương trả cho người LĐ có trong danh sách trả lương của DN. (Đ.Tr)
 

Những CN hưởng lương theo sản phẩm dù không mất việc nhưng nguồn thu nhập của họ lại giảm mạnh. Lúc nhà máy có nguyên liệu dồi dào, sản xuất liên tục mức lương bình quân 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng, hiện thời thu nhập giảm còn 400 ngàn – 500 ngàn đồng/người/tháng.

Chị Lê Thị Lam, CN Công ty cổ phần chế biến thủy sản Cà Mau, cho biết: "Tôm không đủ chế biến, làm vài tiếng đồng hồ mỗi ca, lương bằng phân nửa so với những tháng trước. Chị em chúng tôi phải trực chờ tôm, có tôm là làm ngay". Theo chị Lam, mỗi khi làm xong việc theo ca, chị liền xuống khu lao động công nhật làm thêm, mỗi tháng chị làm theo sản phẩm chỉ thu nhập khoảng 500.000 đồng không thể lo gì cho gia đình.

Người thừa, nguyên liệu thiếu

Khu vực ĐBSCL được coi là "mỏ tôm" của cả nước, nhưng do người dân còn bỏ đất hoang không chịu thả tôm nuôi, nên các DN chế biến trên địa bàn điêu đứng vì không dễ tìm ra tôm nguyên liệu, chỉ hoạt động khoảng 25-30% công suất. Hàng loạt công ty không đảm bảo nguồn nguyên liệu để chế biến buộc phải giãn ca hoặc cho CN nghỉ việc luân phiên.

Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Camimex (Cà Mau), cũng vì thiếu nguyên liệu nên nhà máy hoạt động 30% công suất. Công ty đã giải quyết chế độ nghỉ việc một lần cho 207 CN dôi dư và trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tinh giản thêm hàng trăm CN. Tương tự, Công ty cổ phần CBTS Sao Ta (Fimex Việt Nam) do không có nguyên liệu đã phải cắt giảm 700 CN. Công ty CBTS Út Xi (Sóc Trăng) cũng cắt giảm hàng trăm CN, hiện hai nhà máy sản xuất tôm của công ty chỉ còn khoảng 2.000 người. Trước đây, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 15.000 công nhân làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản, nay chỉ còn khoảng 12.000 người, nghĩa là có đến 3.000 CN mất việc.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Cường (Cà Mau) cho biết: "Chúng tôi có 21 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản trong khu vực ĐBSCL, hiện có trên 10.000 lao động làm việc cho các nhà máy. Lương CN bình quân khoảng 1,5 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng DN liên tục phải bù lỗ".

Theo ông Cường, công ty chấp nhận lỗ trên 60 tỉ đồng để trả lương cho CN trong thời gian chờ nguồn tôm nguyên liệu tăng trở lại. Ông Cường cho rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản không bị ảnh hưởng lớn, hiện có nhiều đơn đặt hàng nhưng "không đào đâu ra nguồn nguyên liệu để chế biến".

Trần Thanh Phong (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)