Theo tin từ Ban tổ chức, nhiều trường THPT ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bình Thuận đã nhận lời tham gia giải.
Các cầu thủ đội Phước Long (Q.9) vui mừng khi giành chiến thắng trong trận chung kết trước đội Nguyễn Trãi (Bình Dương). Ảnh: T.Tr |
Đến hẹn lại lên, vào thời điểm kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26-3 và Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, Báo Giáo Dục TP.HCM lại phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức giải bóng đá dành cho học sinh THPT. Năm nay, đồng hành với ban tổ chức (BTC) là Công ty TNHH & TM Tân Hiệp Phát (THP Group) – nhà tài trợ độc quyền giải nên có tên gọi “Giải bóng đá học sinh THPT TP.HCM mở rộng lần X năm 2009 – cúp “Number 1””.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất: cúp, cờ lưu niệm và 10.000.000 đồng; 1 giải nhì: cúp, cờ và 7.000.000 đồng; 1 giải ba: cúp, cờ và 4.000.000 đồng; 1 giải khuyến khích: cờ và 1.500.000 đồng; 1 giải phong cách: cờ và 700.000 đồng; 1 giải vua phá lưới: 700.000 đồng; 1 giải cầu thủ xuất sắc nhất: 700.000 đồng; 1 giải cổ động viên đông và ấn tượng nhất: 700.000 đồng; giải hattrick: 1 trái bóng và 100.000 đồng/ lần. Giải khai mạc lúc 7 giờ ngày 19-3-2009 và chung kết phát giải ngày 25-4-2009 tại CLB Tao Đàn (số 1 đường Huyền Trân Công Chúa, Q.1, TP.HCM). |
Giải đấu năm nay đạt cột mốc 10 năm – 10 năm với biết bao kỷ niệm thú vị đối với các thành viên trong BTC. Có thể nói, 10 năm là quãng thời gian chưa hẳn là dài đối với một sự kiện nào đó mang tầm cỡ quốc gia nhưng cũng không phải là ngắn đối với một giải bóng đá phong trào mà đối tượng là các em học sinh bậc THPT. Còn nhớ, lần đầu tiên tổ chức – năm 1999 – khi Báo Giáo Dục TP.HCM khởi xướng tổ chức giải, rất nhiều trường THPT đã đồng ý hưởng ứng. Thế nhưng, danh sách cuối cùng chỉ có hơn 20 trường (đội bóng) tham gia giải. Thời điểm đó, giải tổ chức thi đấu trên sân Phú Nhuận (gần Công viên Gia Định bây giờ), sân chỉ toàn cát và cát chứ không được trồng cỏ xanh mượt như bây giờ. Chúng tôi vẫn còn nhớ, đấu trên sân cát lúc 13 -14 giờ – thời điểm nắng nóng gay gắt – khiến cầu thủ chạy chừng 20 – 25 phút thở không ra hơi. Rồi mỗi lần cầu thủ hai đội tranh bóng quyết liệt cát bay mù mịt, chẳng thấy trái bóng ở đâu. Dù vậy, cầu thủ các đội vẫn thi đấu nhiệt tình, cống hiến hết sức lực nhằm mang chiến thắng về cho đội nhà và cũng muốn đáp lại tình cảm của các bạn học cùng trường đi theo cổ vũ. Giải tổ chức trên sân cát Phú Nhuận trong 3 năm đầu mới chuyển về sân Tao Đàn (Q.1) ở lần tổ chức giải thứ 4. Khi giải thi đấu trên sân cỏ, nhiều cầu thủ đã khấp khởi vui mừng. Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ lời tâm sự rất thật lòng của một cầu thủ đội trường Phú Nhuận: “Đá sân cỏ vừa sướng cái chân chạy im ru, mà té cũng không bị dơ… áo quần”. Từ đó số lượng đội bóng tham gia ngày càng đông. Năm nào cũng có khoảng 50 đội tham gia. Trong 2 mùa giải thứ 7, thứ 8 nếu BTC đồng ý cho các đội đăng ký trễ được thi đấu thì giải có trên 60 đội bóng tham gia, nhưng vì tuân thủ theo điều lệ đã đặt ra và cũng muốn “khống chế” số lượng đội bóng để nâng chất lượng giải lên cao nên cuối cùng BTC đã không đồng ý, dù cảm thấy rất có lỗi với những đội bóng này. Đến mùa giải năm 2008, trước sự lan tỏa của giải ngày càng rộng, nhiều trường THPT ở các tỉnh bạn mong muốn được tham gia giải nên BTC quyết định mở rộng giải đấu, tạo điều kiện cho các trường giao lưu, học hỏi lẫn nhau nên lần đầu tiên có 3 đội bóng ở Bình Thuận, Bình Dương tham gia. Và điều bất ngờ xảy ra, tham dự giải lần đầu nhưng đội Trường THPT Nguyễn Trãi (Bình Dương) đã đoạt huy chương bạc rất xứng đáng.
T.D
Bình luận (0)