Nên nghiên cứu thật kỹ khi tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: M.LÝ |
Vừa qua, khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi trong Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 sẽ được thông qua năm 2014 đã nhận được nhiều sự quan tâm. Bên cạnh sự đồng tình cũng có không ít những băn khoăn, lo ngại.
Nên nghiên cứu thật kỹ
Vài năm trở lại đây, không ít lần cả xã hội đã giật mình hốt hoảng về mức độ tàn bạo của tội ác ở những vụ án do lứa tuổi từ 16-18 gây ra. Thậm chí người ta đã từng nghĩ đến việc rút ngắn lại độ tuổi trẻ em. Do vậy, đối với những nhà làm luật thì việc đề xuất tăng độ tuổi trẻ em lên 18 lại không hẳn là một tín hiệu vui. Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM – Thiếu tá Lê Văn Nhiệm – cho biết chỉ riêng năm 2012, toàn TP đã có tới 1.223 đối tượng phạm pháp hình sự ở lứa tuổi dưới 18, tăng 67 đối tượng so với năm 2011. Trong đó vi phạm những khung hình phạt với tội danh như giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật. Theo Thiếu tá Nhiệm thì để tăng độ tuổi trẻ em, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét ở cả góc độ tâm lý và xã hội.
Từng trực tiếp bào chữa cho nhiều thân chủ trong độ tuổi từ 16-18, luật sư Ngô Minh Trực – Hội Luật gia TP.HCM – thừa nhận, thực trạng tội phạm đang có chiều hướng trẻ hóa và dã man hơn nhưng trong khung hình phạt hiện thời thì trẻ em phạm tội chỉ phải chịu mức án bằng 2/3 so với người trưởng thành nên mức án cao nhất cũng chỉ là 18 năm tù. Nếu tăng độ tuổi trẻ em lên 18 thì cần phải tăng nặng trách nhiệm hình sự, căn cứ vào động cơ và mục đích phạm tội để không tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Đồng thời cũng không nên xem nhẹ việc giáo dục pháp luật trong nhà trường và gia đình.
Để trẻ em được bảo vệ tốt hơn?
Ở một góc độ khác, trao đổi với bà Lê Hồng Loan – Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam, bà Loan lại thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam rất cần thiết tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 bởi trước nhất không chỉ để phù hợp với công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1990, mà quan trọng nhất đó là để trẻ em Việt Nam được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Bà Loan lý giải: “Việc tăng độ tuổi trẻ em chỉ làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ hơn chứ không hề gây cản trở. Trong Bộ luật Lao động đã quy định, trẻ em 15 tuổi đã bắt đầu được lao động, dưới 18 tuổi được làm việc thế nào. Luật Hôn nhân và gia đình cũng không cho phép người dưới 18 tuổi được kết hôn. Luật Hình sự thì người dưới 18 tuổi chưa phải chịu mức án cao nhất”.
Trước ý kiến cho rằng Việt Nam còn là một nước nghèo, việc tăng độ tuổi trẻ em đồng nghĩa với việc ngân sách an sinh xã hội sẽ phải tăng lên, theo bà Loan đó chỉ là sự đầu tư cho tương lai mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Bà Loan cũng khẳng định UNICEF rất ủng hộ Việt Nam thông qua Dự thảo tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18. Đồng tình với Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, ThS. Phạm Thị Thúy – giảng viên tâm lý Học viện Hành chính TP.HCM – chia sẻ: “Lứa tuổi từ 16-18 mới chính là lứa tuổi dễ xúc động và chịu tổn thương nhiều nhất nên cũng dễ dàng bị lôi kéo nhất. Các em đang dần định hình nhân cách và trách nhiệm của mình. Do vậy, việc tăng độ tuổi trẻ em lên 18 cũng chỉ là để tăng mức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục để giúp các em hoàn thiện tốt nhất về nhân cách và thể chất. Xã hội càng phát triển thì điều này lại càng cần thiết. Tất nhiên sẽ có thêm khó khăn và tốn kém cho đất nước. Nhưng khi đi vào thực thi sẽ là sự cố gắng chung tay của cả xã hội…”.
Yến Hoa
Bình luận (0)