Một sản phẩm đồ chơi bằng gỗ mà phần kim loại nặng có dấu hiệu gỉ, ố và các hình gỗ có nhiều giăm, sắc nhọn |
Nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng gỗ mới nhìn qua đã nổi da gà chứ chưa nói đến các yếu tố cơ lý, chống cháy, hóa chất độc hại… Thế mà, vẫn có dán tem CR (tem chứng nhận hợp quy)?!?
Đồ chơi gỗ an toàn nhưng… không an toàn
Nhận thấy đồ chơi gỗ an toàn cho con trẻ, bà Nguyễn Thị Hoài An (Q.Gò Vấp) mua sản phẩm “học mà chơi” về cho con với mong muốn trẻ được phát triển trí tuệ. Thấy sản phẩm có tem CR nên bà An yên tâm trả 100.000 ngàn đồng cho sản phẩm “Đồng hồ toán học”. Về đến nhà, bà An mới tá hỏa vì thiết bị kim loại (dùng để gắn gỗ vào) của sản phẩm có dấu hiệu gỉ sét, ố đành ngậm ngùi cất vào ngăn tủ. Đồ chơi nói trên mang nhãn hiệu Tài Lộc, có trụ sở đặt tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sản phẩm này có giấy chứng nhận hợp quy số: 07/CBHQ/N7.10/L1 do Trung tâm Kiểm định chất lượng Quatest 3 cấp. Không chỉ dừng lại ở các thanh sắt gỉ sét mà ngay cả những khối gỗ đính kèm trên thanh sắt được làm rất sơ sài, gỗ chế biến không bằng phẳng, có nhiều giăm sắc, nhọn ở các góc, cạnh rất nguy hiểm đối với trẻ khi cầm nắm.
Chúng tôi đã mang sản phẩm này đến Phòng Nghiệp vụ 2, Trung tâm Quatest 3 nhờ kiểm tra, đánh giá nhưng nhân viên trung tâm trả lời muốn kiểm tra phải thực hiện quy trình đánh giá an toàn. Theo đó, muốn có kết quả thì chúng tôi phải bỏ ra chi phí (dự kiến) là 8 triệu đồng. Dẫu biết rằng, để đánh giá an toàn đồ chơi trẻ em phải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3: 2009/BKHCN) nhưng vấn đề ở đây là tem CR này có phải do Quatest 3 cấp hay tem giả, tem photocopy?
Đánh giá quy chuẩn kỹ thuật về an toàn đồ chơi trẻ em bao gồm yếu tố kỹ thuật và bao bì, ghi nhãn. Hầu như các sản phẩm đồ chơi gỗ an toàn cho trẻ em phải hội đủ độ an toàn về cơ lý, chống cháy, kim loại nặng, amin thơm… Như vậy, với sản phẩm đồng hồ toán học này, bằng mắt thường cũng cho kết luận sản phẩm này không đạt về mặt kỹ thuật, kim loại nặng.
Ghé vào một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) tìm mua đồ chơi, chúng tôi “choáng” với nhiều chủng loại, màu sắc bắt mắt và có cả hàng Trung Quốc, nhưng tìm một đồ chơi có tem CR quả thật khó khăn. Cô chủ cửa hàng cho rằng, tem CR chỉ là hình thức, có thể photocopy!? Ở các chợ cũng thế, hầu hết người bán đều trả lời hàng không có tem CR là do hàng cũ còn tồn đọng, hàng mới về chưa kịp dán đang… chuẩn bị dán.
Đến một siêu thị thuộc hệ thống siêu thị lớn nhất nhì cả nước, nhiều sản phẩm đồ chơi bằng gỗ được bày bán có dán tem CR nhưng nhìn bằng mắt thường có thể thấy sản phẩm không đạt chất lượng.
Hầu hết là tem giả
Thời gian qua, qua kiểm tra của Quatest 3, nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em không đạt chuẩn về cơ lý, kim loại nặng và hóa chất độc hại. Điều đáng quan tâm hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước lẫn đồ chơi nhập khẩu chỉ cung cấp cho tiểu thương giấy chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật mà không có kết quả kiểm định. Theo quy định, nhà nhập khẩu chỉ cung cấp cho các cửa hàng giấy chứng nhận hợp chuẩn là không đúng. Một nhân viên của Quatest 3 cho biết, qua kiểm tra phát hiện nhiều cửa hàng, nhà cung cấp tự in tem dán lên sản phẩm không thuộc lô hàng đã được chứng nhận. Như vậy, nếu tem trên sản phẩm chưa được chứng nhận có nghĩa tem này là giả. Một sai phạm nghiêm trọng nữa là những nhà sản xuất, cung cấp đồ chơi trẻ em không có chứng nhận hợp chuẩn do Trung tâm Quatest kiểm định nhưng lại dán tem CR do trung tâm này cấp. Nguyên nhân của tình trạng này là còn nhiều kẽ hở trong quy định. Theo quy định, nhà sản xuất hoặc nhập khẩu đồ chơi trẻ em phải gửi hồ sơ kiểm tra chất lượng sản phẩm đến Quatest 3 kiểm định theo quy chuẩn. Nếu kết quả kiểm định đạt chất lượng mới được chứng nhận tem CR rồi mang về tự in và dán lên sản phẩm. Việc dán tem CR lên sản phẩm không đạt chất lượng (tức tem giả) là điều dễ dàng xảy ra. Một mẫu dấu CR có đơn vị chứng nhận và số chứng nhận nhưng người tiêu dùng thì mù mờ, không thể phân biệt đâu là tem CR thật và đâu là tem CR giả.
Bài, ảnh: Trần An
Bà Lê Hải Liễu, Tổng giám đốc Công ty Chế biến gỗ Đức Thành cho rằng: “Những sản phẩm đồ chơi trẻ em không đạt chất lượng nhưng lại có tem CR trên thị trường là một thiệt thòi lớn cho các nhà sản xuất có uy tín, điều này chẳng khác nào đổ đồng chất lượng cho các sản phẩm đồ chơi gỗ đã qua kiểm định”. |
Bình luận (0)