Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

200 công nhân Sanyo bị sa thải đột ngột

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Công nhân Công ty Sanyo đang tập trung yêu cầu bồi thường hợp đồng – Ảnh: VŨ HƯNG

Liên tiếp trong các ngày từ 27 đến 31-3, hơn 100 lao động của Công ty Sanyo (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) đã tập trung trước cổng công ty để phản đối việc bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trước thời hạn.

Sa thải 200 người trong vòng hai tiếng

Theo phản ánh của công nhân, hơn 200 người được ký HĐLĐ với Sanyo thời hạn ba năm nhưng họ mới làm việc chưa đầy một năm đã bị sa thải mà không được bồi thường. Anh Lê Minh Hùng, một trong số những người bị sa thải, cho biết: “Ngày 27-3, mọi người đang làm việc thì được lệnh đóng cửa phòng lại để diệt chuột. Sau đó, người lao động bị thu thẻ làm việc, bị đuổi ra khỏi công ty chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Ai cũng bất ngờ”…

Công nhân Đặng Thị Xuân cho biết thêm, công ty tập trung hơn 200 người, chia thành hai nhóm. Một nhóm là những người ký HĐLĐ năm 2007, một nhóm vào công ty năm 2008 rồi nói “sắp xếp lại việc làm” nhưng hóa ra đuổi việc.

Công ty Sanyo giải thích với họ rằng “do bị tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ty phải sát nhập các phòng ban nên dư thừa lao động”. Theo đó, công ty chấm dứt HĐLĐ với người lao động trước ngày 31-3 và sẽ trả cho mỗi người một tháng lương cơ bản (tính từ ngày 27-3 đến ngày 26-4). Những người làm việc trên một năm sẽ được trả trợ cấp hai tháng lương cơ bản, còn ai làm việc dưới một năm sẽ không được trả trợ cấp.

Cụ thể như trường hợp công nhân Ngô Ngọc Mai ký HĐLĐ với Sanyo ba năm, có hiệu lực từ ngày 1-4-2008, hiện chị Mai không được trả tiền trợ cấp thôi việc. Trả lời thắc mắc của người lao động tại sao đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước, đại diện Sanyo cho rằng việc làm của họ là hợp pháp và được hướng dẫn của Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai. Công ty đã căn cứ vào Điều 17 Bộ luật Lao động để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Ngoài ra, công ty cũng đã trao đổi trước việc sa thải với ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Công ty Sanyo phải đền bù

Công nhân Lê Minh Hùng nói: “Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ không báo trước 30 ngày là trái luật. Nếu không bồi thường thỏa đáng, chúng tôi sẽ kiện công ty ra tòa. Hơn nữa, công ty sa thải người lao động theo cách khó chấp nhận”.

Về vấn đề này, luật sư Lại Thị Lê Thanh nhận định: “Công ty sa thải người lao động trong vòng hai tiếng là không đúng luật lao động. Đúng ra, công ty phải lập kế hoạch trình báo, chờ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Sau đó, công ty phải thông báo trước cho người lao động để họ có thời gian tìm việc làm khác. Đồng thời, công ty cũng phải trả trợ cấp cho người lao động. Công ty đồng loạt sa thải người lao động trước thời hạn thì người lao động có quyền kiện công ty ra tòa để đòi bồi thường”.

Chiều qua, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Đức, chuyên viên-hòa giải viên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP Biên Hòa, cho biết Sanyo đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn là vi phạm luật. Đáng lẽ công ty phải báo trước cho người lao động 30 ngày. Vì vậy, Phòng sẽ có văn bản yêu cầu công ty bồi thường cho người lao động 30 ngày làm việc vì đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước.

Theo VŨ HƯNG – Pháp Luật TP.HCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)