NLĐ tìm việc tại Ngày hội kết nối việc làm do Quỹ Hỗ trợ CN tổ chức. |
– Đến đầu tháng 4, trên địa bàn TPHCM đã có 41.000 LĐ bị mất việc, thiếu việc do 188 DN gặp khó khăn phải cắt giảm việc làm. Hiện nay, chỉ còn khoảng 20% LĐ trong số trên chưa tìm được việc làm.
Có quá lạc quan?
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó ban VHXH HĐND và ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hội Dệt – May và thêu – đan TPHCM – đều đặt ra câu hỏi: Số liệu đưa ra có quá lạc quan hay không?
Ông Minh đặt ra vấn đề nhiều DN dãn việc, cho CN hưởng 70% lương, khiến thu nhập không đủ sống, buộc NLĐ phải tự xin nghỉ việc. Những trường hợp này không nằm trong diện DN cắt giảm mà tự nguyện xin thôi việc. Ông Lâm Văn Tiếp – Phó ban quản lý KCX – KCN TPHCM – cho rằng, số liệu các DN báo cáo là đáng tin cậy. Hiện trên địa bàn KCX – KCN tại TPHCM có 49 DN gặp khó khăn, nhưng cũng có đến 40 DN có nhu cầu tuyển dụng 11.000 LĐ.
Số liệu đáng tin cậy, nhưng liệu có tình trạng DN tìm cách cắt giảm LĐ mà không hoặc chậm trễ báo cáo lên cơ quan chức năng? Trong cuộc họp về tình hình thiếu việc, mất việc trên địa bàn TPHCM tổ chức giữa tháng 3, các PV cũng đặt ra câu hỏi với Sở LĐTBXH rằng liệu các DN có báo cáo đầy đủ số LĐ "tự" viết đơn xin nghỉ việc vì thu nhập không đảm bảo do DN giảm giờ làm?
Doanh nghiệp "giấu khó"
Tại sao nhiều DN báo cáo khó khăn trong hoạt động SXKD, nhưng lại chưa có một DN nào cần đến sự hỗ trợ để giải quyết chính sách cho người LĐ – một đại biểu thắc mắc. Ông Xê giải thích, thực hiện chính sách này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, nhưng thực sự cho đến thời điểm này vẫn chưa có DN nào vay tiền để hỗ trợ giải quyết chính sách cho người LĐ mất việc.
Trên thực tế, không phải DN nào gặp khó khăn cũng báo cáo đầy đủ lên cơ quan chức năng bởi họ còn bị các đối thủ "nhòm ngó năng lực". Chỉ đến khi bị rơi vào "thế đường cùng" dễ nảy sinh tranh chấp LĐ, nhiều DN mới tìm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng. Phòng LĐTBXH quận 12, quận 7, quận 8… gửi bảng thống kê tình trạng mất việc, thiếu việc đến các DN nhưng số phản hồi rất ít. Điều này chưa chắc đã phản ánh thực trạng việc làm trên những địa bàn đó "ổn định".
Bên cạnh số LĐ bị mất việc, giảm việc do Sở LĐTBXH công bố, những DN treo bảng tuyển dụng hàng nghìn LĐ vẫn không thể tuyển đủ người. Những DN "giấu khó" vừa khiến quyền lợi của người LĐ ảnh hưởng, vừa làm "nhiễu thông tin" trên thị trường LĐ. Nếu LĐ bị DN cắt giảm, các cơ quan chức năng sẽ biết họ gặp khó khăn và tìm đến trực tiếp giới thiệu các địa chỉ cần việc, trong khi những người "buộc phải xin nghỉ" sẽ phải tự tìm kiếm thông tin tuyển dụng.
Bà Phạm Phương Thảo – Chủ tịch HĐND TP – cho rằng: "Thị trường LĐ vẫn còn khó khăn nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hỗ trợ tìm việc, dạy nghề, cho vay vốn giải quyết việc làm trợ giúp NLĐ".
Đây là số liệu do ông Nguyễn Văn Xê – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH – đưa ra tại chương trình "Nói và làm" do HĐND TP và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức ngày 5.4.
Vinh Hải (laodong)
Bình luận (0)