Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Thả cửa” cho lao động nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Việc mở toang cánh cửa thị trường lao động nước ta với lao động nước ngoài những năm gần đây đã gây nên hậu quả là nhiều ngàn lao động nước ngoài đang tràn vào nước ta, đe doạ an ninh việc làm trong nước.

Không ai quản lý! 

Mới đây, ông Phạm Sỹ Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận trên Vietnamnet, có 700 lao động nước ngoài đang làm việc ở dự án bauxite tại Tân Rai, trong đó hầu hết là lao động phổ thông; hơn hai trăm lao động sang làm việc bằng visa du lịch và không đăng ký với chính quyền địa phương. 

Trên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Công Lục, vụ trưởng vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ thừa nhận: “Một công trình, nhưng công nhân nước ngoài sang tới hai ngàn người”. Tại cuộc họp hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: “Các nhà thầu nước ngoài thường đem theo hàng ngàn công nhân và cả những thiết bị trong nước sản xuất được”. 

Tập đoàn Foxconn đầu tư tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang xây nhiều dãy nhà dành cho “chuyên gia” nước ngoài vào làm việc. 

Để lấp đầy các dãy nhà này, chắc chắn sẽ có hàng ngàn lao động nước ngoài đưa sang làm việc trong các nhà máy này dưới danh nghĩa “chuyên gia”. Công ty UMV (United Motor Vietnam) vốn đầu tư Đài Loan tại khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng sử dụng hầu hết là lao động nước ngoài. Công ty này đã thuê cả dãy nhà tại công ty cổ phần Xây dựng và cơ khí 5 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho lao động ở. 

Sài Gòn Tiếp Thị cũng đã có bài phản ánh về tình trạng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Đài Loan. Đây mới chỉ là một vài con số nhỏ nhoi ở một số địa chỉ cụ thể. 

Trong thực tế, hiện không ai biết chính xác số lao động nước ngoài đang làm việc tại nước ta là bao nhiêu. Nhất là sau khi nghị định 34/2008/NĐ-CP về quản lý và tuyển dụng lao động nước ngoài tại nước ta được ban hành với việc bãi bỏ tỷ lệ khống chế mức trần lao động nước ngoài là 3%, doanh nghiệp không được phép sử dụng lao động nước ngoài nhiều hơn tỷ lệ này, thì lao động nước ngoài đang “đổ bộ” vào nước ta không cần xin phép. Kể cả Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ–TB&XH) được giao quản lý lao động nước ngoài cũng không nắm được con số lao động nước ngoài vào nước ta làm việc. 

“Hổng” từ chính sách 

Năm 2008, trong tờ trình Thủ tướng dự thảo nghị định 34, bộ LĐ–TB&XH lý giải, mở cửa thị trường lao động là yêu cầu của việc nước ta gia nhập WTO. Thế là cánh cửa cho lao động nước ngoài được mở toang ra, doanh nghiệp thích tuyển bao nhiêu thì tuyển. Yêu cầu phải xin phép, nhưng không xin phép, cũng… không sao. Nhưng khi nghiên cứu kỹ các điều khoản liên quan đến lao động trong WTO, mới biết là Bộ LĐ–TB&XH đã nhầm. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia về các vấn đề lao động trong đàm phán WTO nói rõ, WTO không bắt buộc chúng ta phải mở cửa thị trường lao động, mà chỉ quy định về hình thức “di chuyển thể nhân”. Cụ thể, đó là các quy định về việc đưa người sang làm việc khi có hiện diện thương mại, hoặc chào bán dịch vụ. 

Theo lý thuyết, thị trường nhân lực nước ta đang thiếu những lao động ở vị trí quản lý và có trình độ cao, nên việc mở toang cánh cửa đối với lao động nước ngoài sẽ bù đắp lại sự thiếu hụt này. Bên cạnh đó, nước ta vẫn có lợi thế cạnh tranh ở giá nhân công rẻ, nên với mức tiền công rẻ, lao động phổ thông sẽ không muốn vào nước ta làm việc. Nhưng trong thực tế, những người chắp bút cho dự thảo nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài tại nước ta đã không nghĩ, sẽ có ngày lao động phổ thông từ các nước tràn vào nước ta để tìm việc như hôm nay. Nhất là khi thất nghiệp tại các nước gia tăng, nước ta lại không có bất cứ biện pháp nào để hạn chế lao động nước ngoài. 

Nghị định 34 và các văn bản hướng dẫn quy định, lao động nước ngoài muốn vào nước ta làm việc phải được cấp giấy phép có thời hạn. Nhưng trong thực tế, số lượng lao động được cấp phép rất ít, chủ yếu là lao động trình độ cao, nên chưa phản ánh được sự dịch chuyển thực sự của dòng lao động nước ngoài nhập cư vào nước ta. 

Sau khi Chính phủ ban hành nghị định 34, Bộ LĐ–TB&XH cũng chưa có động thái gì hơn để thực hiện việc quản lý nhà nước này. Bởi vậy, khi số lao động thất nghiệp trong nước gia tăng, lẽ ra để bảo vệ việc làm trong nước, Bộ LĐ–TB&XH phải có động thái cụ thể để ngăn dòng lao động phổ thông từ nước ngoài vào nước ta để tìm việc làm, giống như Malaysia ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại các nhà máy, công xưởng. Vấn đề lao động nước ngoài tại nước ta ngày càng trở nên khó kiểm soát từ những “lỗ hổng” ngay trong tư duy người làm chính sách và sự buông lỏng quản lý hiện nay.

 

Theo Tây Giang

Sài Gòn tiếp thị

 

Bình luận (0)