Một nữ hộ sinh tắm bé tại nhà – Ảnh: N.Lịch |
Tắm em bé
Tắm em bé là một việc tưởng dễ mà khó. Thế nên không ít sản phụ đã giao phó việc này cho nữ hộ sinh, đến khi cháu bé rụng rốn (sau khoảng 15-20 ngày).
Dỗ bé để… trấn an mẹ
11 giờ 30, nữ hộ sinh H.M cấp tốc chạy từ bệnh viện phụ sản ở trung tâm TP.HCM về quận 8 để tắm cho một em bé mới sinh mấy ngày. Thở hổn hển sau khi leo mấy chục bậc thang chung cư, nhưng vừa ló mặt vào cửa phòng, H.M đã buông giọng miền Tây ngọt lịm: “Con của cô đâu rồi? Hôm nay con có ngoan không?”. Cháu bé xinh xắn có tên Khôi Nhi khóc oe oe khi H.M bắt đầu massage tay chân cho bé. Đến khi tiếp xúc với nước (khoảng 36 độ C), Khôi Nhi càng khóc tợn. H.M không ngớt thủ thỉ bằng giọng mía lùi: “Con gái của cô ngoan nè, có gì đâu mà sợ”, “Con ơi cô thương con lắm. Sao con ăn hiếp cô dữ vậy. Con khóc thế làm sao cô tắm cho con…”. Trong khi đó, bàn tay cô khéo léo, nhẹ nhàng tắm bé. Rồi cô gội đầu, thay băng, xức thuốc sát trùng ở rốn và làm vệ sinh tai, mũi, miệng cho bé. Mọi việc diễn ra trôi chảy trong vòng 25 phút.
Đón đứa con sạch sẽ, thơm tho từ H.M, chị Nguyễn Thị Bích – mẹ cháu Khôi Nhi cười tít mắt. Chị Bích không tiếc lời khen cô H.M chu đáo, có kỹ năng… nựng em bé. Chị “chấm” H.M từ những ngày nghỉ hậu sản ở bệnh viện. Vì vậy, theo chị Bích, tiền công 70 ngàn đồng cho mỗi lần tắm bé là chấp nhận được. Mẹ chồng chị Bích, bà Nguyễn Thị Thành (60 tuổi, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) hài lòng so sánh: “Hồi xưa lúc tôi sinh con đầu lòng ở ngoài Bắc, hai mẹ con tôi cứ phải ở trong buồng tối và hơ than suốt. Cả một tháng trời kiêng cữ nước nôi, kiêng cữ đủ thứ, thịt da mình gầy đét, sụt cả 20 kg… Bây giờ thời đại tiến bộ, đám trẻ hưởng lắm cái hay!”.
H.M cho biết, trong khi nữ hộ sinh tắm em bé, các bà mẹ và người thân thường rất sốt ruột khi nghe con (hoặc cháu) mình khóc. Do đó, nữ hộ sinh phải biết cách dỗ dành cho bé khỏi khóc, cũng là cách trấn an được mẹ cháu bé. Ngoài chuyên môn, người tắm bé cần có năng khiếu giao tiếp mới bắt chuyện được với chủ nhà. H.M cho hay, có những ngày cô nhận tắm 2 ca, thậm chí 3 ca. Thu nhập từ dịch vụ này cũng được khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương bệnh viện trên 3,5 triệu đồng nên cuộc sống của H.M cũng ổn định.
Để được tắm bé
Theo chị Lý Bạch Thu Nga – cử nhân hộ sinh, Phó trưởng khoa Điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ, những nữ hộ sinh tham gia dịch vụ tắm em bé vãng gia phải đáp ứng những yêu cầu sau: có thâm niên làm việc 3 năm trở lên tại bệnh viện; có kỹ năng tư vấn sức khỏe; trải qua một lớp huấn luyện trang bị kiến thức liên quan; được trưởng khoa nữ hộ sinh xác nhận đạo đức, kỹ thuật chuyên môn… Hiện nay, bình quân mỗi ngày có 130 em bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Đây có lẽ là bệnh viện có số sản phụ ngoại tỉnh nhiều nhất. Do vậy, số ca đăng ký tắm dịch vụ cho em bé không cao bằng một số bệnh viện phụ sản khác, chừng 30 ca/ngày. Theo chị Thu Nga, giá dịch vụ tắm bé được dán công khai là 50 ngàn đồng/lần. Trường hợp phải thay băng cho người mẹ nữa thì giá lên đến 70 ngàn đồng/lần. Đối với những địa bàn khá xa như Bình Chánh, Củ Chi, giá tối đa cũng 70 ngàn đồng/lần. Những người tham gia dịch vụ này đều được hưởng trọn thu nhập, trừ một số trường hợp đóng từ 2.000 – 2.500 đồng/ca, tùy quy định của từng khoa sản.
Hầu như tất cả bệnh viện phụ sản trên địa bàn TP.HCM đều có dịch vụ tắm bé. Giá mỗi nơi mỗi kiểu, dao động từ 50 ngàn đồng – 100 ngàn đồng/lần. Bên cạnh đó, một số câu lạc bộ, hội quán bà mẹ trẻ cũng chia sẻ kinh nghiệm tắm bé, thậm chí có người làm thêm dịch vụ này. Tuy nhiên, theo một số nữ hộ sinh, công việc này không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những chủ nhà đòi tắm bé bằng việc đổ cồn và bia hoặc nước trà xanh vào nước. Hoặc, có người yêu cầu lấy lòng trắng trứng gà xức lên da để nhổ lông đẹn cho em bé… Ở những ca này, các cô ra sức giải thích và ngăn chặn. Nhưng, cũng có trường hợp phải “bứt sô” sau 2 – 3 ngày vì chủ nhà quá khó tính!
Theo tiến sĩ – bác sĩ Vũ Tề Đăng, khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, không ít bà mẹ hoặc người thân có thói quen chỉ dùng một cái băng rốn cho bé từ ngày này sang ngày khác. Bác sĩ Vũ Tề Đăng cảnh báo, cách làm như vậy khiến vi trùng bị ủ lại, gây bưng mủ, nhiễm trùng rốn. Nếu để trễ có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng toàn thân, viêm màng não, thậm chí, trẻ sẽ tử vong vì sốc nhiễm trùng…
Như Lịch (TNO)
Bình luận (0)