Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trời lạnh, dịch sởi bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một bệnh nhi đang điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Theo khuyến cáo của các BS thì bệnh sởi tại TP.HCM đang có nguy cơ bùng phát. Điểm đáng lưu ý là đối với những trẻ đã tiêm vaccine nhưng chưa đủ liều vẫn có nguy cơ mắc phải.
Tiêm vaccine chưa đủ vẫn mắc bệnh
Hai chị em bé Phượng 4 tuổi và bé My 2 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM đột ngột cùng phát bệnh sởi dù hai em đã được mẹ cho đi chích ngừa vào lúc 9 tháng tuổi. Chị Phan Kim Nghĩ, mẹ của hai bé nhanh chóng cho hai con nhập viện ở Bệnh viện Nhi đồng 1. “Cả hai đứa đều sốt 39-40 độ, kèm theo ho, tiêu chảy, ói mửa và mắt đỏ. Ban đầu tưởng con bị lên ban, nhưng nhập viện BS cho biết hai cháu bị sởi”.
Trong phòng 101 của Khoa Nhiễm, nơi hai con chị Nghĩ nằm bệnh có 7 giường, nhưng có tới 14 bé bị bệnh sởi. Bệnh nhi nhỏ nhất mới 5 tháng tuổi, liên tục khóc, sốt, ho và bỏ bú khiến mẹ bé rất lo lắng “Phải có cách nào ngăn chặn lây lan dịch sởi, không thôi tội nghiệp trẻ chưa đủ tháng tuổi theo quy định để tiêm vaccine, lại không có sức đề kháng nên càng dễ mắc bệnh”, người mẹ trẻ xót xa.
Trong phòng bệnh trên, bệnh nhi lớn nhất là em Phan Hải Khanh, 7 tuổi, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tam Hiệp (huyện Châu Thành, Tiền Giang) nhập viện hôm 4-1 với các biểu hiện sốt cao, ói, ho nhiều và ngủ li bì. Ông nội của Khanh cho hay em có các dấu hiệu trên 3 ngày trước đó khi đang theo học nội trú ở trường. Sau đó em được đưa đến điều trị tại bệnh viện tỉnh và chuyển viện đến Nhi đồng 1 vì không có dấu hiệu thuyên giảm. Ông cũng cho biết cháu trai ông cũng đã được tiêm vaccine nhưng mới tiêm một lần.
Tăng cường giám sát ở trường học và cộng đồng

Các bé đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 7-1-2014.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, dấu hiệu nhận biết trẻ mắc sởi thường qua những triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, sổ mũi và phát ban nhưng thường để lại vết thâm trên da. Thông thường tiến trình điều trị bệnh sởi chỉ khoảng 5-7 ngày, tùy theo biến chứng, kèm hạ sốt và bảo đảm dinh dưỡng. Tuy nhiên, bệnh sởi cũng không thể xem thường vì có thể gây biến chứng viêm não, viêm phổi, hư mắt, viêm tai giữa và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo BS. Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong năm 2013 bệnh sởi có dấu hiệu tăng trở lại, sự gia tăng này bắt đầu khoảng tháng 4 năm ngoái cho đến nay. Qua điều tra cho thấy trong năm 2013, thành phố có khoảng 300 ca nhập viện, và phần đông trẻ mắc bệnh là ở vùng dân nhập cư. Trong đó, một số trẻ có đi học nhưng không được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Vì vậy trong kế hoạch kiểm soát bệnh sởi, thì ở cộng đồng cũng như trong toàn thành phố sẽ chú trọng việc kiểm soát các trẻ đi học ở các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ công và tư thục để tiến hành rà soát lại xem trẻ có được tiêm vaccine đúng theo lịch tiêm hoặc đúng theo lứa tuổi hay không.
Cách rà soát sẽ được thực hiện thông qua việc phối hợp giữa đơn vị y tế dự phòng các quận huyện, phòng giáo dục, để triển khai, phổ biến cho các thầy cô giáo và thông báo với phụ huynh ngày giờ cụ thể đề nghị phụ huynh cho xem sổ tiêm chủng. Nếu trong trường hợp thấy trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều thì cần đề nghị phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine sởi theo hình thức dịch vụ hoặc các chương trình tiêm chủng mở rộng. Trường hợp trẻ chưa được tiêm vaccine sởi thì sẽ cho trẻ tiêm mũi 1, nếu tiêm rồi mà trẻ trên 18 tháng thì sẽ cho tiêm mũi 2. Và tùy theo lứa tuổi mà cho tiêm vaccine mũi 1 hoặc mũi 2, chẳng hạn như từ 9 tháng tuổi đến 3 tuổi mà chưa tiêm thì sẽ cho trẻ tiêm mũi 1. Đây là biện pháp cơ bản để kiểm soát bệnh sởi trong trường học, hầu ngăn chặn nguy cơ bệnh bùng phát.
 
BS. Thọ lưu ý, biện pháp phòng bệnh sởi chắc chắn nhất cho trẻ là phải tiêm 2 mũi vaccine. Cách đây 3 năm trở về trước, trong cả nước thực hiện chương trình tiêm vaccine sởi cho trẻ mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và mũi 2 khi trẻ 6 tuổi (bắt đầu vào lớp 1), nhưng sau này ngành y tế thấy rằng thời gian chờ tiêm mũi 2 như vậy là quá lâu (5 năm). Vì thế, trong hai năm trở lại đây, ngành y tế đã đổi lại cho phù hợp hơn, hiệu quả hơn với phác đồ tiêm vào lúc trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nên đưa trẻ đi tiêm chủng trước Tết Nguyên đán
BS. Nguyễn Đắc Thọ (ảnh) cho hay, đây là thời điểm phù hợp, cấp bách để tiến hành việc rà soát và đưa trẻ đi tiêm chủng trước Tết, cũng là điều kiện tốt nhất để phòng sởi trong lúc thời tiết trở lạnh từ tháng 1, tháng 2 đến mùa đông xuân. Ngoài việc tiêm phòng vaccine, nhà trường cần chú ý đến hai việc là tăng cường vệ sinh môi trường, khử trùng để phòng chống các bệnh virus đường hô hấp, kể cả tay chân miệng, đồng thời khi phát hiện sớm bệnh sởi thì cần cấp báo với ngành y tế địa phương để có biện pháp kiểm soát và phòng chống phù hợp.
Hình: 1b
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)