Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đi xuất khẩu lao động bằng… bánh vẽ

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi đóng tiền đặt cọc 2.000 USD, người lao động mòn mỏi chờ đợi, còn chi nhánh công ty đột nhiên… biến mất

Ngày 26-5, một nhóm 5 lao động đã đến Báo Người Lao Động cầu cứu, nhờ can thiệp giải quyết quyền lợi sau khi không được một doanh nghiệp XKLĐ đưa sang Mỹ và Ba Lan làm việc. Theo họ, những người có trách nhiệm đã cố tình né tránh, không hoàn trả chi phí mà họ đã nộp.

Người lao động đi Mỹ, Ba Lan bất thành, phản ánh vụ việc tại Báo Người Lao Động

 

Cam kết bất thành
Năm lao động nói trên gồm Trịnh Như Phong, Vũ Quốc Tuấn ở Thanh Hóa; Lê Thế Trung, Nguyễn Văn Cường ở Nghệ An và Trần Nhật Hà ở Đồng Nai. Họ được chi nhánh Công ty CP XKLĐ – Thương mại và du lịch (TTLC) tại Nha Trang  tuyển chọn. Ngoài ra, còn 5 người khác cũng cùng cảnh ngộ.
Tháng 10-2008, các lao động nói trên đã đến chi nhánh TTLC Nha Trang đăng ký sang Mỹ và Ba Lan làm thợ hàn. Ông Dương Đình Sơn, giám đốc chi nhánh, là người trực tiếp tuyển chọn. Sau đó, họ được đưa vào Công ty CP Đào tạo kỹ thuật PVD (KCN Đông Xuyên – Vũng Tàu) thi tuyển lấy chứng chỉ thợ hàn 6G. Tại văn phòng giao dịch của chi nhánh đóng tại A9, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức – TPHCM (hiện không còn hoạt động), mỗi người nộp tiền đặt cọc 2.000 USD và được cam kết nếu không được xuất cảnh, TTLC Nha Trang sẽ hoàn trả hồ sơ và tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, vào ngày 15-12-2008, họ không được đưa đến Lãnh sự quán Mỹ và Ba Lan để phỏng vấn xin cấp visa như cam kết. Đến tháng 2-2009, vì không còn liên lạc được với ông Sơn, nhiều lao động đã cầu cứu đến Công an Thủ Đức. Cơ quan công an đã mời ông Sơn lên làm việc. Ngày 8-2-2009, ông Sơn có công văn gửi Đội Cảnh sát Điều tra tổng hợp Công an Thủ Đức báo cáo rõ vụ việc và cam kết nếu đến ngày 30-4-2009 không tổ chức cho người lao động (NLĐ) đi phỏng vấn xin visa được thì sẽ trả lại tiền. Thế nhưng, sau đó, mọi việc vẫn không được giải quyết.
Không để người lao động thiệt thòi
Qua xác minh của chúng tôi, phản ánh của NLĐ là chính xác. Theo đúng cam kết, chi nhánh TTLC Nha Trang phải hoàn trả tiền đặt cọc cho NLĐ. Chúng tôi không liên lạc được với ông Dương Đình Sơn, người có trách nhiệm giải quyết vụ việc. Chi nhánh TTLC Nha Trang cũng đã dọn đi nơi khác từ hơn hai tuần qua.
Ngày 27-5, chúng tôi liên lạc với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và được biết sáng cùng ngày, cục đã có công văn gửi lãnh đạo TTLC, yêu cầu xác minh vụ việc trên tinh thần giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Trao đổi với chúng tôi chiều 27-5, ông Hoàng Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc TTLC, cho biết công ty sẽ chỉ đạo chi nhánh TTLC Nha Trang giải quyết rốt ráo vụ việc, không để NLĐ chịu thiệt thòi, ảnh hưởng đến uy tín của công ty.

Vinatex- LC bồi thường không thỏa đáng 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 27-5 về vụ 7 lao động sang Nga phải về nước trước hạn, ông Nguyễn Như Hùng, Giám đốc Công ty CP Hợp tác lao động và thương mại (Vinatex- LC), thừa nhận phía đối tác Nga đã không thể bố trí công việc theo đúng thỏa thuận. Trách nhiệm trước hết thuộc về Vinatex-LC. Vinatex dự kiến sẽ trả lại cho mỗi lao động 1.000 USD. Số tiền này bao gồm chi phí quản lý và tiền hỗ trợ cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ không đồng ý với mức bồi thường này.
Về các khoản tiền phải thanh toán lại cho NLĐ, trong đó có phí quản lý và một phần phí môi giới theo quy định, ông Hùng cho rằng công ty không thu phí môi giới. Nhưng 7 lao động nói trên cho biết để sang Nga làm việc, mỗi NLĐ phải bỏ ra 2.870 USD. Dù vậy, hợp đồng ký chính thức chỉ thể hiện NLĐ nộp 1.550 USD và 100.000 đồng đóng vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Khi được hỏi số tiền 1.320 USD ở đâu thì ông Hùng cho rằng “Đó là khoản mà công ty này “thu hộ, nộp hộ” bao gồm chi phí đào tạo và các chi phí tiếp nhận lao động, chi phí giấy tờ…”.
Các lao động này đều ký hợp đồng làm việc 3 năm với Vinatex-LC. Họ xuất cảnh ngày 10-2. Trước khi đi họ được hứa hẹn mức lương 400 USD, điều kiện ăn ở đầy đủ song chưa đầy 3 tháng “xuất ngoại”, vào ngày 4-5 họ đã về nước trong tình trạng tay trắng. Các lao động bức xúc: “Chúng tôi được đưa tới các công trường xây dựng để đổ đất, bốc vác xi măng, đào đất… Một ngày làm việc đến 12 – 14 giờ nhưng điều kiện ăn ở không được bảo đảm. Dù làm việc vất vả nhưng chúng tôi chỉ được trả 10 USD/người/ngày”.

N.Quyết

 

Bài và ảnh: N.DUY (nld)

 

Bình luận (0)