Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Có học nghề, dễ tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trong khuôn viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trung tâm Việt – Đức trông giống một nhà máy sản xuất hơn là một trung tâm dạy nghề bậc trung cấp bởi hàng hàng dãy dãy phòng chứa đầy máy móc thiết bị.

Một hệ thống máy cơ khí ở Trung tâm Việt – Đức – Ảnh: Đ.T.D.

Toàn bộ máy móc, thiết bị này nằm trong dự án do bang Baden-Wurttemberg, CHLB Đức tài trợ cho công tác đào tạo công nhân lành nghề và giáo viên dạy nghề ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với tổng giá trị tài trợ là 12,4 triệu mark (tính tại thời điểm thành lập trung tâm – năm 1993).

Hiện đại

Dù số lượng chỉ tiêu dành cho việc tuyển sinh TCCN của trung tâm không nhiều, nhưng tính đến nay đã có hàng ngàn học sinh hai ngành cơ khí và điện – điện tử của trung tâm tốt nghiệp và có việc làm ổn định.

Sở dĩ học sinh Trung tâm Việt – Đức ra trường dễ có việc làm là vì trung tâm được đầu tư một hệ thống trang thiết bị rất hiện đại nên tay nghề người học khá chuẩn. Tất cả thiết bị được trang bị từ năm 1995 và vào thời điểm đó các thiết bị này đứng đầu nhóm hiện đại so với các trường THCN, kể cả ĐH, CĐ trong nước. Nhờ thế các môn học liên quan đến thực hành máy công cụ, kỹ thuật điều khiển bằng khí nén – điện khí nén, kỹ thuật điều khiển bằng thủy lực – điện thủy lực, kỹ thuật điều khiển lập trình PLC (với hệ điều khiển Siemens S7-300), kỹ thuật biến tần, kỹ thuật hàn, kỹ thuật đo lường cơ khí và điện, kỹ thuật lắp đặt điện, kỹ thuật chế tạo mạch in, máy điều khiển chương trình số CAD/CAM – CNC…, học sinh có cơ hội học tập thực tế ngay sau giờ học lý thuyết và giờ thực hành. “Học sinh cùng học trên một chủng loại máy nên luôn đảm bảo sự xuyên suốt về chất lượng học trong các học kỳ, các kỳ thi” – thạc sĩ Hồ Vĩnh An, phó trưởng trung tâm, cho biết.

Mặt khác, lực lượng giáo viên của trung tâm cũng là một trong những yếu tố chính khiến trung tâm trở nên đặc biệt: 90% số giáo viên từng tu nghiệp tại Đức. Vì thế hầu hết giáo viên đều có thể tự đọc, biên soạn tài liệu tiếng Đức.

Điểm khác biệt trong đào tạo của trung tâm với cách đào tạo TCCN thông thường là học sinh sẽ cùng tham gia tự đánh giá kết quả học tập của mình. Thạc sĩ Hồ Vĩnh An cho biết trong cách dạy nghề của người Đức, học sinh sẽ tự đánh giá kết quả thực tập của mình và đề xuất mức điểm số phù hợp. Trên sự nhận định của chính học sinh, giáo viên sẽ trao đổi với học sinh về những điểm được và chưa được trong kết quả để đưa ra điểm số cuối cùng. Điều này luôn tạo cho học sinh tâm lý thoải mái và tin tưởng, có cái nhìn chính xác nhất về tay nghề của mình.

Nghịch lý

Hiện Trung tâm Việt – Đức đào tạo hệ TCCN với 4 lớp/ngành/năm, sĩ số một lớp là 32 học sinh. Việc duy trì sĩ số này nhằm đảm bảo học sinh nào cũng được đứng một máy để thực hành.

Tuy vậy, khi nhắc đến chuyện tuyển sinh hằng năm, thạc sĩ

An vẫn tâm tư. Đó là phần lớn học sinh sau khi đã “chạy cùng sào” mới tìm đến đây. Việc duy trì được mỗi lớp 32 học sinh cũng phải dùng “mánh”, đó là

khi gọi nhập học thì chọn nhiều hơn vài học sinh bởi năm nào cũng có học sinh bỏ TCCN để đi thi ĐH. Chưa kể một số học sinh không hiểu do trình độ hay do tâm lý “tạm trú” mà một số nội dung cơ bản nhất được thiết kế dành cho học sinh TCCN cũng tỏ ra đuối khiến giáo viên hết sức vất vả.

Từ năm 2000 đến nay đã có hàng ngàn giáo viên kỹ thuật, giáo viên dạy nghề từ các trường kỹ thuật trên toàn quốc đến đây học để nâng cao tay nghề. Đã có rất nhiều khóa học được mở ra cho các kỹ sư, kỹ thuật viên từ các doanh nghiệp. Đã có hàng ngàn học viên ra trường có việc và có cơ hội học tiếp lên ĐH, CĐ…

Vậy mà con đường vào đời thênh thang ấy vẫn ít có bạn trẻ lựa chọn!

Theo TTO

Bình luận (0)