Quảng cáo cài đặt GPRS trên một website |
Những mẩu quảng cáo cài đặt dịch vụ kết nối GPRS cho ĐTDĐ đang xuất hiện tràn lan trên các kênh truyền hình, Internet, báo điện tử, báo in và cả trên những tin nhắn rác quảng cáo trên ĐTDĐ.
Nội dung chào mời đủ kiểu để “nhử” người dùng nhắn tin thực hiện dịch vụ. Một đoạn phim quảng cáo trên truyền hình có nội dung: “Bạn muốn tải những bài hát cực hot, hình nền cực đẹp, thử thách với những game di động hấp dẫn… nhưng máy bạn chưa làm được vì chưa có kết nối GPRS. Hãy soạn tin GPA gửi 67… để cài đặt GPRS cho dế yêu của bạn. Sau khi cài đặt xong bạn sẽ nhận được một bộ hình nền độc đáo để kiểm tra cài đặt”…
Hay những mẩu rao vặt nhan nhản trên nhiều website: “Để tải nhạc chuông đa âm, nhạc có lời, hình ảnh… điện thoại của bạn cần phải kết nối GPRS. Làm thế nào để cài đặt GPRS cho dế yêu của mình nhỉ? Thật đơn giản, hãy soạn tin GPRS gửi đến 83…”… và đến cả tin nhắn SMS rác.
Cách cài đặt GPRS miễn phí
Với mạng MobiFone, bạn soạn tin nhắn: DK GPRS, gửi đến 994. Hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn hướng dẫn đăng ký.
Với mạng Vinaphone, soạn tin nhắn: GPRS gửi đến 333. Hệ thống sẽ cài đặt dịch vụ tại tổng đài cho khách hàng, đồng thời gửi về máy di động của khách hàng tin nhắn cài đặt cấu hình tự động. Khi nhận được tin nhắn cài đặt, người dùng nhập mã PIN là 1111 để cài đặt và kích hoạt là có thể sử dụng dịch vụ.
Với mạng Viettel, người dùng có thể chọn một trong bốn gói cước GPRS (0, 1, 2, 3) tùy theo đối tượng áp dụng và nhu cầu sử dụng. Để cài đặt qua tin nhắn, soạn tin GPRS1 gửi đến 191 nếu dùng gói cước 1 hoặc GPRS2 nếu dùng gói cước 2…
Bên cạnh đó, các thuê bao còn có thể cài đặt GPRS nhờ hướng dẫn tại website của các nhà mạng di động hoặc gọi điện đến tổng đài hỗ trợ khách hàng của các mạng để được hướng dẫn.
Hầu hết các quảng cáo đều không nêu rõ mức cước phí người dùng phải trả khi nhắn tin cài đặt dịch vụ GPRS của các nhà mạng. Nhiều người dùng đã làm theo và chỉ sau khi dại dột nhắn tin, họ mới biết mình đã bị trừ một số tiền không nhỏ (thường là 15.000 đồng cho mỗi tin nhắn SMS thực hiện cài đặt).
Với ba mạng di động lớn nhất hiện nay là MobiFone, Viettel, Vinaphone, việc cài đặt kết nối GPRS rất dễ dàng, chỉ với một tin nhắn không tốn cước phí đến tổng đài của nhà mạng, thuê bao di động sẽ nhận được tin nhắn cài đặt. Nếu không hiểu rõ hoặc cài đặt không được, thuê bao có thể gọi đến nhà mạng để được hướng dẫn.
Như vậy vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung bằng cách cài đặt GPRS giúp người dùng ở đây không khác “cò” là mấy, nhưng mang tính lừa lọc nhiều hơn. Bởi người dùng phải trả đến 15.000 đồng để nhờ các dịch vụ cài đặt giúp trong khi đúng ra họ chẳng phải tốn xu nào. Tệ hơn, nhiều người dùng có khi tốn đến 100.000 đồng đi nhờ mà vẫn chưa cài đặt GPRS được, đành chấp nhận “tiền mất, tật mang”.
Song, cũng cần nói là trách nhiệm của các nhà mạng với khách hàng của mình đã được thể hiện đến đâu. Đại diện MobiFone cho biết: “Chúng tôi đã gửi văn bản cảnh báo các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung (CP – Content Provider) không được trực tiếp hay gián tiếp gửi tin nhắn quảng cáo, mời chào sử dụng dịch vụ nội dung, gửi các tin nhắn với nội dung không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo tới khách hàng qua các đầu số 8xxx và 6xxx.
Đây không phải là lần đầu tiên MobiFone có văn bản nhắc nhở, khuyến cáo và có biện pháp mạnh để thu hồi đầu số với các CP vi phạm, tuy nhiên hiện tượng tin nhắn quảng cáo, mời chào xuất hiện ngày càng đa dạng và khó quản lý”. Thực tế nhiều nhà mạng thừa biết việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung “đục nước béo cò” nhưng không những không thông báo rộng rãi cho người dùng biết để tránh bẫy mà còn có vẻ “lơ”. Lý do cũng dễ hiểu, bởi theo cách nào thì cũng mang lợi cho nhà mạng.
Theo Đức Thiện / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)