Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động chất lượng cao: Báo động trong vòng 5 năm tới

Tạp Chí Giáo Dục

Sự thiếu hụt không chỉ xảy ra đối với lao động có tay nghề cao.

67% DN công nghiệp cho biết họ không được đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý, 68% DN không hài lòng với số lượng và chất lượng của cán bộ kỹ thuật – Đó là một trong nhiều kết luận đáng quan tâm trong đề tài “Báo cáo việc làm thanh niên 2009” mà VCCI tiến hành khảo sát vừa qua.

Lao động có tay nghề cao: Thiếu hụt trầm trọng trong vòng 5 năm tới 
Hơn một nửa số DN tham gia khảo sát báo cáo rằng họ không được đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật bậc cao. Sự thiếu hụt này thấy rõ nhất trong ngành công nghiệp, khảo sát của VCCI cho thất 67% DN công nghiệp cho biết họ không được đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý, 68% DN không hài lòng với số lượng và chất lượng của cán bộ kỹ thuật. Trong lĩnh vực dịch vụ, tỷ lệ này thấp hơn khoảng 51-52%.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng chỉ ra việc thiếu hụt lao động không chỉ tồn tại với lao động bậc cao. Hiện tại một loạt DN không được đáp ứng nhu cầu đối với công nhân kỹ thuật bậc thấp, nhân viên văn phòng, bán hàng và lao động chân tay…  

Đề tài khảo sát cũng cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng về lao động trình độ cao không được cải thiện nhiều trong 10 năm qua và đáng báo động hơn nữa tình hình này được dự báo sẽ còn tiếp diễn thậm chí xấu đi trong vòng 5 năm tới.

Giải pháp đào tạo lao động chất lượng cao: DN và Nhà nước cùng làm

Nhiều giải pháp đã được DN đặt ra để cải thiện tình hìnhtuy nhiên đa số ý kiến đều xoay quanh việcđặc biệt quan tâm việc đào tạo và cung cấp lao động trẻ. 85% số DN tham gia khảo sát đồng ý rằng cách hiệu quả nhất để đào tạo lao động mới là giao cán bộ, nhân viên cũ kèm cặp. Thực tập nghề trước khi được tuyển dụng chính thức cũng được 2/3 số DN cho là rất hiệu quả. 
Nằm trong số ý kiến trên, Ông Cao Duy Phong – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hasaico Group cho biết, công ty ông đang có giải pháp đối với nguồn lao động mới đó là sẵn sàng tiếp nhận cả những sinh viên chưa tốt nghiệp để giao cán bộ, nhân viên cũ kèm cặp. Việc đào tạo được thực hiện theo quy trình bài bản và chuyên nghiệp nhưng để nhân viên mới có được kỹ năng phù hợp với công việc thì thời gian đào tạo thường phải mất từ 3-6 tháng. Hasaico Group cũng đang thực hiện giải pháp thực tập nghề trước khi tuyển dụng. Công ty có cơ chế thoáng như vậy là bởi: “sinh viên thì đa phần là chưa có kinh nghiệm, hoặc chỉ là những công việc làm thêm … rất ít khi ai có kinh nghiệm thực sự. Do vậy việc đòi hỏi kinh nghiệm của sinh viên là quá vô lý, nếu doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi sinh viên có kinh nghiệm thì … ngay bản thân tôi (và bạn) chắc không có cơ hội như ngày hôm nay” – ông Phong thổ lộ. Ông cũng cho biết thêm, sắp tới Hasaico Group sẽ tuyển dụng khoảng 100 lao động ở nhiều vị trí (từ biên tập viên, marketing, kinh doanh…) cho cả văn phòng Hà Nội và Tp.HCM. Để có đủ số lao động cần thiết, công ty này áp dụng song song hai cách: một là tuyển nhân viên chính thức, hai là tuyển thực tập viên làm việc theo hình thức bán thời gian (vị trí này chủ yếu dành cho các sinh viên chưa tốt nghiệp hoặc mới tốt nghiệp).

Quay lại với đề tài khảo sát của VCCI, một số ý kiến cho rằng hiện nay người sử dụng lao động đang hỗ trợ đào tạo cho người lao động nhưng Nhà nước nên hỗ trợ về kinh phí cho họ. Kiến nghị đào tạo miễn phí cho những đối tượng cần thiết hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp cam kết tổ chức đào tạo được xem là khả thi nếu có cơ chế quản lý và hỗ trợ thường xuyên.

Tuy nhiên, có DN cho rằng ngoài các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho đào tạo lao động, Nhà nước còn phải đóng vai trò điều phối trung tâm duy trì mối liên hệ mật thiết với DN và tổ chức giới chủ để đảm bảo đào tạo và hỗ trợ của Nhà nước thực sự đáp ứng được nhu cầu của các ngành với chất lượng tốt. Cũng có ý kiến cho rằng các DN đã đóng thuế và đóng góp vào ngân sách thì Nhà nước nên trực tiếp chịu trách nhiệm đối với vấn đề đào tạo…

Những DN tham gia khảo sát rất mong muốn Nhà nước cung cấp nhiều nguồn lực và đưa ra khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và rõ ràng hơn cho đào tạo, và nhìn chung cần Nhà nước ban hành quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể hơn.

 Hồ Hường (dddn)

Bình luận (0)