Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tiếng Anh – ngôn ngữ đã chắp cánh cho sự nghiệp đời tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi làm những công việc có liên quan đến tiếng Anh, tôi thấy vốn ngoại ngữ của mình còn nhiều hạn chế. Thế là tôi quyết tâm ôn lại tiếng Anh, nói chính xác, gần như phải học lại từ đầu.

Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngoại ngữ, Ban Anh văn, vào đầu những năm 60 của thế kỉ trước và được phân công về công tác tại một bộ đối ngoại. 
Tôi thật may mắn vì trong công việc hàng ngày, tôi đều sử dụng nhiều tiếng Anh. Những ngày đầu tiên làm, tôi được phân công đi dịch cho những đoàn nhỏ gồm một, hai khách nước ngoài, hoặc viết những thư từ giao dịch đơn giản bằng tiếng Anh.       

Ngay sau khi làm những công việc có liên quan đến tiếng Anh, tôi thấy vốn ngoại ngữ của mình còn nhiều hạn chế. Ngoài những câu thông thường giao dịch hàng ngày tôi bật ra rất nhanh, còn nói chung thì tôi phải học nhiều hơn nữa  Thế là tôi quyết tâm ôn lại tiếng Anh, nói chính xác, gần như phải học lại từ đầu.        

Để chuẩn bị trước cho các buổi dịch, tôi học thuộc lòng như máy một số câu khi thường gặp tiếp khách. Các câu, từ, quá dài khó đọc thì tôi suốt ngày lẩm bẩm học. Chắc người ngoài khi nhìn tôi lúc đó họ sẽ bảo là “thần kinh”.       

Tôi học qua công việc hàng ngày, qua những sách báo tạp chí bằng tiếng Anh, nhất là qua những  anh đã đi trước. Tôi nhớ có bạn cùng cơ quan tốt nghiệp trường Đại học Bách  khoa, một  số mặt tiếng Anh của bạn  ấy còn hơn tôi, tôi cũng chẳng ngần ngại hoặc tự ái  mà không học bạn. Các cụ xưa đã dạy: Học thày không tày học bạn mà. Đồng thời, tôi tham gia dạy tiếng Anh ở cơ quan. Dù đó là dạy lớp sơ cấp, tôi cũng thấy ngay những lỗ hổng kiến thức của mình. Với suy nghĩ đó, tôi còn tham gia dạy tiếng Anh ở một số trung tâm ngoại ngữ buổi tối hoặc dạy ở nhà. Như vậy tôi đã học tiếng Anh qua chính việc dạy học. Thật đúng là “dạy người cũng chính là dạy mình”.       

Sau một thời gian, tiếng Anh tôi xem chừng đã tiến bộ phần nào và chắc cơ quan cũng thấy cố gắng của bản thân tôi nên cho tôi đi học một lớp tập trung 18 tháng về “Nâng cao kĩ năng soạn thảo các văn bản pháp lí bằng tiếng Anh”.        

Sau đó, tôi được vài lần cử đi công tác nước ngoài, mỗi lần 2-3 tháng, với nhiệm vụ làm phiên dich cho đoàn đi. Cũng khoảng 2-3 năm sau, tôi lại được đi công tác dài hạn ở nước ngoài, thời gian trên 3 năm. Thật đúng là thời cơ vàng cho việc học tiếng Anh của tôi: Tôi học thêm được khá nhiều trong những năm tháng sống ở nước ngoài.       

Khi về nước, tôi được làm thư kí cho một dự án do UNDP Hanoi tài trợ Việt Nam. Do tính chất công việc, tôi phải thường xuyên sang cơ quan Liên Hợp Quốc này làm việc, dù biết rằng đó là những “công việc điếu đóm”. Các báo cáo về công việc của dự án tôi phải  thảo bằng tiếng Anh. Những lần đi làm việc với “Tây” có nhiều quốc tịch khác nhau, làm tôi quen với các loại tiếng Anh. Vì vậy, tiếng Anh của tôi cũng được nâng cao rõ rệt.      

Để cố gắng hoàn thiện thêm, tôi tham gia dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho một số tạp chí, báo viết và báo hình. Những bài đã dịch, tôi lưu lại để sau khi báo chí, tạp chí đó đã được “Tây” hiệu đính, tôi đối chiếu với bản dịch trước của mình. Đây cũng là lúc tôi học được rất nhiều.       

Đầu những năm 90, khi nhiều khách du lịch bắt đầu vào Việt Nam, tôi tranh thủ sắp xếp thời gian làm hướng dẫn du lịch. Tôi nhớ mãi một kỉ niệm khó quên trong cuộc đời làm du lịch nghiệp dư của tôi. Đó là vào tháng 9/1993, một công ty du lịch Hà Nội đón  khoảng 300 khách du lịch Mỹ bằng đường biển từ Hải Phòng lên thăm Hà Nội. Tôi phụ trách một xe khoảng 30 khách trong đó có bà trưởng đoàn (tour leader). Trên đường lên Hà Nội, tôi giới thiệu với khách về đất nước và con người Việt Nam ở những vùng khách đã qua. Khách hỏi khá nhiều, nhất là về Luật Đầu tư, về chính sách mở cửa của Việt Nam. Tôi trả lời trôi chảy vì đó là những kiến thức cơ bản tôi đã tích luỹ được trong cuộc sống và trong công tác đối ngoại hàng ngày. Buổi chiều về Hải Phòng, theo yêu cầu của bà trưởng đoàn, tôi phải chuyển sang xe khác để giới thiệu lại cho nhóm khác những gì tôi đã nói buổi sáng. Tuy rất mệt nhưng thật sung sướng và xúc động khi tôi được khách hoan hô nhiều lần. (Với “nghề” du lịch, hiện nay tôi cũng được cấp Thẻ Hướng dẫn Du lịch loại 1).       

Trong năm 1993, tôi có một lần dịch đuổi cho hội thảo quốc tế, với nhiều quan chức của Bộ, của các tổ chức quốc tế như UNDP Hanoi, đại diện của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Nội vụ (hiện nay tức là Bộ Công an ) về đề tài phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới. Tôi được phân công dich đuổi từ Việt sang Anh. Lần đầu tiên, ngồi trong ca bin dịch đuổi, quả là căng thẳng và hồi hộp xen lẫn cảm giác sung sướng. Thật  ra, dịch  từ Việt  sang Anh, cả nói và viết, vốn là sở trường của  tôi, nên tôi không lúng túng lắm. Sau buổi hội thảo không thấy tiếng chê, mà ngựợc lại có một số lời khen động viên khuyến khích.       

Cũng trong năm 1993, một  bước ngoặt trong công tác đã đến với tôi: thưc hiện chủ trương giảm nhẹ biên chế, tôi “đành phải về hưu non” ở tuổi dưới 55, và “phải” chuyển sang một bộ đối ngoại khác làm hợp đồng dài hạn đến tận tháng 10/2000. Hầu như quanh năm ngày tháng tôi “phải” làm việc với “Tây” từ Anh, Mỹ, Australia, Nhật, và được đến các miền của Tổ quốc thân yêu. Thật tình, tôi lại càng biết ơn cơ quan mới của tôi đã chấp cánh cho tôi bay xa và bay cao hơn nữa trong sự nghiệp tiếng Anh. 

Sau mấy chục năm vật lộn với ngôn ngữ này, lúc thì học từ các thày ở các lớp tập trung nâng cao, hoặc học ở trường đời, khi thì đi dạy người để chính người lại dạy mình, hay khi thì giao dich với các bạn nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tôi thấy cái “vốn” của mình về ngoại ngữ này thôi thì tạm đủ dùng (workable).       

Còn các học trò tiếng Anh thân mến của tôi, nhiều em cũng đã “cất cách” trong cuộc đời. Các em học tại các trường đại học và trung học ở Mỹ và Nhật, hoặc định cư ở Canada. Đặc biệt, có em còn khoe với tôi là đã được ông “thủ trưởng” Tây  khen tiếng Anh nói chuẩn và em đã được chuyển sang một vị trí công tác tốt hơn nhiều so với trước.       

Thật ra, học trò tôi chỉ cần nhớ kĩ đến một số “thủ  thuật” tôi đã dạy là các em có thể nói được khá tiếng Anh rồi. Đó là trường hợp của em H., 30 tuổi, (năm 1991), chưa hề học tiếng Anh bao giờ. Em chỉ học tôi đúng một tháng rưỡi (12 buổi học) và vào TPHCM để kịp dự phỏng vấn trước khi định cư ở Canada theo “Chương trình ra đi có trật tự” ODP (Orderly Departure Programme). H. đã “qua mặt” các “Tây” phỏng vấn với “thủ thuật” hết sức đơn giản! H. cận trọng đến các khâu phát âm nhất là, các phụ âm như “t”, “c”, “p”, “j”,”ch”, “sh”, trọng âm và ngữ điệu. Về hình thái yếu, mạnh (xin được tạm dich từ chữ “weak forms and strong forms” của tiếng Anh), khi hình thái yếu, thì H. phát âm ra âm khác, khi mạnh thì ra âm khác (có rất nhiều từ, như từ “can” và “have”).                                

Một điều tôi tâm đắc nhất là nếu tôi học một, thì phải hành năm, hành mười, hoặc hơn nữa. Đây chính là giai đoạn lượng đổi thành chất, để cây ra hoa kết trái trong học tập tiếng Anh. Thực tình, nhiều lúc tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ lại về những phấn đấu nỗ lực liên tục đã qua vì hai chữ tiếng Anh thân yêu, cái nghiệp ngôn ngữ mà đời tôi theo đuổi.    

Tôi chợt thầm nghĩ có bông hoa hồng đẹp nào chỉ trồng được trong ngày một ngày hai. Hay cách nói của người phương Tây: “Thành Rôm không thể xây trong một ngày”. 

Phải chăng đó chính là chữ “TÂM” trong học ngoại ngữ? 

Theo Nguyễn Thành Tâm
Tạp chí ngôn ngữ Hà Nội

Bình luận (0)