Ngành hàng bán lẻ, công nghệ – kỹ thuật cao thu hút lao động. Các cấp quản lý có kỹ năng, kinh nghiệm luôn được doanh nghiệp săn tìm
Các nhân viên thực hiện chương trình tiếp thị cho Ngân hàng HSBC |
Lao động kỹ thuật cao luôn thiếu
Ghi nhận tình hình tuyển dụng gần đây của Talentnet Corporation cho thấy công nghệ và kỹ thuật cao vẫn là ngành “hot” đang thu hút nhiều lao động. Các vị trí: kỹ sư cao cấp, quản lý dự án, nhân viên kinh doanh… được nhiều DN rao tuyển. Việc rao tuyển thường xuyên ở lĩnh vực này là do nguồn nhân lực công nghệ cao luôn ở tình trạng “cung không đủ cầu”, trong khi các DN đầu tư ngày càng nhiều. Thể hiện rõ nhất của việc thiếu hụt này đang diễn ra tại Công ty Intel Products VN – nơi đang cần hàng ngàn lao động nhưng chỉ mới tuyển được hơn 100 người.
Viễn thông cũng là ngành đang thu hút lao động với các vị trí như quản lý dự án, kỹ sư mạng… Theo các chuyên gia, nhiều mạng viễn thông ra đời đã khiến nhân lực của ngành vốn khan hiếm lại càng khan hiếm hơn. Người giỏi luôn được DN săn lùng, bởi đó là lợi thế trong quá trình cạnh tranh giữa các DN.
Bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng cần lao động
Một ngành thu hút nhân sự hiện nay là ngành hàng bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng với các vị trí được rao tuyển như nhân viên đại diện bán hàng, marketing, quản lý, điều hành… Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng: “Bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng bao giờ cũng thu hút lao động kể cả giai đoạn kinh tế phát triển cũng như không phát triển. Ở giai đoạn suy thoái, nhân viên có thể chú trọng đến việc mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm”.
Muốn làm tốt công việc này, người lao động cần trang bị kiến thức thị trường, sản phẩm, tiếp thị, tư vấn khách hàng… Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cũng cần định hướng đào tạo theo hướng chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho công việc.
“Nội địa hóa” nhân lực quản lý
Hiện nay, để giảm chi phí, nhiều DN đã tuyển dụng các cấp quản lý là người VN thay thế cho lao động nước ngoài. Xu hướng “nội địa hóa” nguồn nhân lực khiến cho những người có kinh nghiệm, kỹ năng điều hành càng được săn đón. Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet Corporation, nhận định: “Đối với chuyên gia nước ngoài, ngoài mức lương cao, các DN còn phải chịu thêm chi phí đi lại, ăn ở cho họ và gia đình. Trong khi với lao động người Việt, DN không mất số tiền ấy mà họ còn hiểu văn hóa Việt hơn người nước ngoài”.
Ông Peter Haglund, Tổng Giám đốc Manpower VN, cũng cho rằng những vị trí trống dành cho ứng viên tài năng vẫn còn. Các nhà tuyển dụng đang tìm cách tuyển những vị trí công việc trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ và trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người có kỹ năng mới, khả năng quản lý, điều hành.
Cuộc khảo sát về nhân lực năm 2009 của Manpower VN cho thấy 30% nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc lấp đầy một số công việc nhất định. Con số này không thay đổi so với năm trước, bất chấp môi trường kinh tế có xấu đi và tỉ lệ thất nghiệp cao hơn.
Theo ông Peter Haglund, đội ngũ chuyên gia kế toán và tài chính chắc chắn không thiếu nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn đang cần người có kinh nghiệm về tái cơ cấu nợ hoặc kế toán quốc tế. Những lĩnh vực chuyên môn này không có nhu cầu cao trước khi xảy ra suy thoái toàn cầu.
|
Bình luận (0)