Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thức khuya dễ dẫn đến bệnh tim

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên nên hạn chế thức khuya học bài hay làm việc để đảm bảo sức khỏe (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Bài vở trên lớp nhiều, lại phải tranh thủ buổi tối học thêm các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, hay đi làm thêm… khiến cho nhiều sinh viên (SV) phải dùng thời gian về đêm để học bài. Tuy nhiên, thói quen thức khuya của SV đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chính họ.
Làm bạn với đêm
Trở về nhà sau một tuần nằm viện điều trị chứng bệnh chóng mặt, đau đầu ở diện trán, sức khỏe Thúy Hà (SV năm nhất Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM) có tiến triển tốt, thế nhưng Hà đã rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể do thiếu ngủ. Cũng bởi đặt ra mục tiêu đạt TOEFL 700 trước khi ra trường, thế nên mỗi tối từ 18h – 21h, Hà phải đến trung tâm học Anh văn. Thay vào đó, Hà phải chấp nhận xem các bài trên lớp vào đêm. Và chuyện thức đến 12h đêm với Hà trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, chỉ sau gần một kỳ học đại học, Hà ốm đi 3kg, quầng mắt thâm, mặt thì nổi mụn, đầu đau buốt, may mắn cho Hà được các bạn cùng xóm trọ kịp thời đưa cô nhập viện.
Ngược lại với Thúy Hà, Trí Hoàng (SV năm 3 Khoa Công nghệ cắt may, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng quen với việc thức đến gần 1h sáng. Hoàng nhận thiết kế mẫu quần trẻ em cho một công ty và kiêm luôn phần thiết kế áo sơ mi nữ cho một vài cửa hàng may, thế nên ngoài giờ trên lớp, Hoàng luôn phải tranh thủ hoàn thành các mẫu thiết kế bằng chương trình đồ họa trên máy tính. Hoàng chia sẻ, “Thời gian đầu thức khuya, không quen với việc mất giấc ngủ, mình đã không tránh khỏi nhiều lần ngủ gật trên lớp, thậm chí nhiều lúc rất mệt mỏi và đau đầu do ngồi tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính”.
Không riêng trường hợp của Hà và Hoàng, dường như thức khuya là thói quen của hầu hết SV. Đặc biệt cận kề vào các ngày thi cuối kỳ, họ trở nên bận rộn với bài vở về đêm nhiều hơn, thậm chí nhiều bạn còn tự ý sử dụng các chất kích thích để giảm thiểu tình trạng buồn ngủ. Như Trí Hoàng, cậu bạn luôn dùng cà phê làm thuốc chữa cho những cơn buồn ngủ trong giờ lên lớp. Đây cũng là lí do tại sao tần số thức khuya của SV khi học đại học lại nhiều hơn so với khi học ở bậc THPT.
Lợi bất cập hại
Việc thức khuya có thể tạo cho SV có nhiều thời gian, nhưng chính thói quen này đã đẩy họ vào lối sống ngược với nhịp sinh học. “Nhịp sinh học sẽ bị mất cân bằng nếu giờ ngủ bị thay đổi chẳng hạn như ngủ sớm hoặc ngủ muộn, và hiện tượng đau đầu sẽ xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy. Từ 24h đêm đến 1h sáng là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi, hồi phục sau một ngày làm việc. Do vậy, chúng ta nên ngủ trước khoảng hai tiếng” , bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc  BV Tâm thần TP.HCM cho biết.
Chia sẻ thêm về tác hại của việc thức khuya, bác sĩ Phạm Văn Trụ cho hay: “Nếu thức khuya kéo dài sẽ dễ gặp phải các bệnh về mắt như khô mắt, nhức mỏi mắt, đau mắt, loạn thị… ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập, da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nổi mụn, trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ như ù tai, chóng mặt, hay nóng nảy, khó tập trung, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút… Thời gian ngủ ít hơn dẫn tới sự suy giảm của não bộ, nguy cơ bị bệnh tim cao hơn so với những người bảo đảm thời gian ngủ. Thậm chí thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya và còn là nguy cơ của các chứng bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp.
N.Trinh
Theo kết quả nghiên cứu về giấc ngủ tại Bệnh viện Brigham & Women ở Boston, dựa trên số liệu phân tích của hơn 71.000 phụ nữ cho thấy có mối liên hệ giữa sự phát triển của bệnh tim và thời lượng ngủ. So với những người ngủ từ 7-8 giờ thì số người bị cơn đau tim tăng 37% ở những người ngủ hơn 9 tiếng mỗi ngày, tăng 18% ở những người chỉ ngủ 6 giờ, tăng 39% ở những người ngủ dưới 5 giờ mỗi ngày.

 

Bình luận (0)