Thời điểm này, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) nên đi XKLĐ theo các ngành nghề gì, thị trường nào để hạn chế rủi ro? Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) – đã trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên.
* 6 tháng đầu năm 2009, chúng ta đưa được 34.000 người đi XKLĐ (đạt trên 37% kế hoạch năm). Ông có nhận định gì về công tác XKLĐ từ nay đến cuối năm?
– Do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hầu hết các thị trường tiếp nhận LĐ đều bị ảnh hưởng, nên ngoài khó khăn về việc đưa LĐ đi, chúng ta còn phải đối mặt với vấn đề LĐ về nước trước thời hạn. Kết quả 6 tháng cho thấy, số LĐ đi các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia giảm so với năm ngoái, nhưng đến nay theo báo cáo từ các DN XKLĐ thì LĐ bắt đầu có việc làm thêm trở lại.
Một số thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi. Hiện, Trung Đông vẫn là thị trường tiềm năng với LĐVN. Tuy nhiên, mục tiêu đưa 90.000 LĐ đi XKLĐ năm 2009 khó đạt được, chúng tôi chỉ hy vọng đạt khoảng 75-80% kế hoạch.
* Theo ông, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy kế hoạch cũng như nâng cao hiệu quả XKLĐ?
– Tuy phục hồi, nhưng vẫn có những lĩnh vực giảm tuyển dụng LĐ như sản xuất ôtô, linh kiện điện tử, may mặc, xây dựng… Vì vậy, các DN cần xem xét chuyển sang các nghề ít bị ảnh hưởng như: sản xuất chế biến thực phẩm, giáo dục, y tế, nông nghiệp, đánh bắt hải sản…
Tôi cho rằng, khó khăn vừa qua là dịp để các DN XKLĐ chỉnh đốn lại, nâng cao chất lượng LĐ, trong đó nhiều DN đã tập trung đào tạo nguồn LĐ có tay nghề cao như: Công nghiệp đóng tàu, thợ hàn, cơ khí, chế tạo… Số LĐ này khi đi XKLĐ không những đáp ứng yêu cầu tốt, mà được đảm bảo thu nhập cao hơn. Định hướng lại thị trường, ngành nghề, nâng cao chất lượng LĐ là những biện pháp cần thiết giúp công tác XKLĐ khả quan hơn.
* Vừa qua, nhiều DN thẩm định đơn hàng không tốt, NLĐ lại thiếu thông tin nên nhiều LĐ phải về nước trước thời hạn. Để hạn chế rủi ro, theo ông, NLĐ cần phải làm gì để bảo vệ mình?
– Cả nước hiện có 163 DN được cấp phép hoạt động XKLĐ. Về vấn đề hợp đồng, theo quy định, nếu DN ký được hợp đồng đưa LĐ đi, phải đăng ký với Cục Quản lý LĐ ngoài nước để thẩm định – nếu có phiếu trả lời cho phép thực hiện mới được tuyển LĐ. Vì vậy, NLĐ trước khi ký kết đi XKLĐ với DN nào đó có quyền yêu cầu DN cho xem "phiếu trả lời đăng ký hợp đồng cung ứng LĐ" do cục cấp để hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, NLĐ nên tìm hiểu thông tin qua sở LĐTBXH địa phương hoặc đường dây nóng của cục Quản lý LĐ ngoài nước (04.38249517) để tránh bị lợi dụng, thu tiền bất chính.
* Xin cảm ơn ông!
Theo N.LAN – Lao động
Bình luận (0)