Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn ba ba đã chết dễ nhiễm độc

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một thời gian án binh bất động khi các cơ quan chức năng vào cuộc truy quét, thủy sản Trung Quốc lại đang tiếp tục tuồn lậu vào Việt Nam với không chỉ cá tầm, ếch mà còn thêm cả ba ba, cá quả, cá trắm…


Ba ba Trung Quốc vừa bị Công an quận Đống Đa và lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ (ảnh trái). Cá quả Trung Quốc “ngậm thuốc” nên rất lờ đờ. Ảnh: P.T

Ba ngày bắt hai vụ nhập lậu thủy sản Trung Quốc
Ngày 10/3, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một xe ô tô mang biển số Quảng Ninh chở hơn 3 tấn thủy sản đựng trong thùng xốp chứa ếch, cá quả, cá trắm cỏ, cá trê, ba ba. Tài xế đã khai nhận mua số hàng trên từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) rồi vận chuyển về chợ Long Biên (Hà Nội) tiêu thụ.
Theo Trung tá Đoàn Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an quận Đống Đa, Hà Nội), đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 3 ngày, Đội phát hiện, bắt giữ hai xe tải chở hàng tấn thủy sản không rõ nguồn gốc.  Trước đó, ngày 7/3, cũng tại khu vực cầu Thanh Trì, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một xe ô tô tải chở khoảng 2 tấn thủy sản. Lái xe khai nhận số hàng trên được một người ở Móng Cái thuê chở từ Quảng Ninh về Hà Nội. Trong đó, chủ yếu là cá trắm giòn (900kg), cá quả (700kg), hơn 200kg ếch.
Trước đó, Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) cũng phát hiện hơn 800kg cá tầm Trung Quốc được đầu nậu chia nhỏ ra 27 thùng xốp, bên ngoài bọc bao dứa màu xanh đang trên đường về Hà Nội. Cùng thời điểm đó, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ninh cũng bắt một ô tô chở hơn 300kg cá tầm không rõ nguồn gốc trên Quốc lộ 18 thuộc TP Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Lái xe khai vận chuyển cá tầm lậu về Uông Bí, sau đó vận chuyển bằng phương tiện khác đi Hải Phòng tiêu thụ. Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cũng bắt hơn 4 tấn cá quả, cá trê, ếch, ba ba được đựng trong hơn 200 thùng xốp và khay gỗ khi lái xe đang trên đường từ Móng Cái về Hải Dương để tiêu thụ.
Như vậy, sau một thời gian “án binh bất động” để nghe ngóng tình hình và tránh sự truy quét gắt gao của các cơ quan chức năng, thủy sản Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuyến đường từ Móng Cái vào nội địa nước ta là một trong những cung đường thủy sản Trung Quốc tuồn vào Việt Nam. Không chỉ có cá tầm, ếch như trước đây mà hiện các thương lái đã tuồn vào Việt Nam cả nhiều mặt hàng thiết thực khác như: Cá trắm, cá quả, ba ba.
Phân biệt thế nào?
Theo ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, người nội trợ vẫn có thể phân biệt được cá tầm trong nước và cá tầm nhập lậu với những đặc điểm sau:
Cá tầm nội địa được nuôi chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên, có gốc là cá tầm Nga nên thường có màu vàng óng đặc trưng ở phía dưới bụng, mũi cá dài, có hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai trải dài cả xương sống và hai bên hông. Trong khi đó cá tầm nhập lậu và cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi như cá tầm Nga. Mũi cá dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.
Thịt cá tầm nội địa sau khi chế biến vẫn giữ được độ mềm, ăn không ngấy. Còn thịt cá tầm nhập lậu, sau khi chế biến thành món ăn, thường bã, bở và không có độ đậm như cá tầm Việt Nam.
Các chuyên gia Hiệp hội cá nước lạnh cũng cho rằng, cá nhập lậu do phải vận chuyển xa nên thường bị xây xước, phần da bụng mỏng hơn so với cá nuôi trong nước. Hiện nay, giá cá tầm Việt Nam đang bán với mức giá phổ biến từ 130.000 – 160.000 đồng/kg, trong khi cá tầm nhập lậu không qua kiểm soát, kiểm dịch giá dao động từ 50.000- 60.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm của một cán bộ quản lý thị trường đã bắt nhiều vụ thủy sản Trung Quốc vào Việt Nam, thông thường khi vận chuyển, đa số thủy sản Trung Quốc đều cho ngậm thuốc, về tới các chợ mới sục lại nước cho tỉnh lại nên những con vật này thường không được nhanh nhẹn như bình thường. Khi sờ vào thân cá có cảm giác cứng, không quẫy khỏe, vẩy cá mềm hoặc trầy trợt khi chạm tay vào.  Hiện cá trắm nhập lậu về Việt Nam chủ yếu là mặt hàng trắm giòn.
Riêng với ba ba, nếu ăn tại nhà hàng thì bạn cần phải yêu cầu cắt tiết tại bàn, tuyệt đối không ăn ba ba ươn hoặc đã chết. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu ăn phải ba ba đã chết hoặc ươn rất dễ bị trúng độc. Nguyên nhân là loài vật này rất thích ăn những thực phẩm hoặc thi thể động vật đã bị thối rữa. Vì vậy, trong ruột ba ba thường có các vi khuẩn có hại và mầm bệnh.
Bình thường, khi ba ba còn sống thì những độc tố trong ruột ba ba sẽ được đào thải bớt ra ngoài, nhưng nếu con vật này chết đi thì những vi khuẩn có hại vẫn tồn tại, sinh sôi hàng loạt trong ruột. Nếu ăn phải ba ba chết sẽ rất dễ bị lây truyền những mầm bệnh độc tố này. Trong thịt ba ba có rất nhiều chất đạm, các acid amin. Khi ba ba chết, những chất này nhanh chóng phân giải thành các nhóm amin và những chất thuộc nhóm amin. Thời gian ba ba chết càng dài thì số lượng các nhóm này càng nhiều nên dễ dàng gây trúng độc cho người sử dụng.
Không nên ăn loại ba ba nhỏ vì không những không bổ dưỡng mà còn có độc. Tốt nhất là ăn ba ba đã trưởng thành (8, 9 tháng tuổi). Cách phân biệt dễ dàng nhất để phát hiện ba ba trưởng thành là dựa vào trọng lượng của con vật này. Thông thường, thể trọng trung bình của một ba ba trưởng thành nặng khoảng 500g trở lên, đầu tròn nhọn, đuôi ngắn nhỏ, có hình tam giác.
Phương Thanh
GiadinhNet

 

Bình luận (0)