Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Thay máu” nhân sự: coi chừng lợi bất cập hại!

Tạp Chí Giáo Dục

Phỏng vấn tuyển dụng tại ngày hội việc làm do Trường ĐH Ngân hàng tổ chức – Ảnh: L.Hằng

Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), hoạt động tái cấu trúc nhân sự quản lý luôn là quan tâm hàng đầu của DN. Nhưng đáng chú ý là hiện nay, nhiều DN ở Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc nhân sự bằng cách “thay máu” toàn bộ ê kíp quản lý và xem đây là cách nhanh nhất, tốt nhất…

Rủ nhau bỏ đi

Thông qua các giao dịch về tìm kiếm ứng viên tài năng cho DN tại Công ty TNHH Loan Lê thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều trường hợp người quản lý khi chuyển đến một công ty mới thường lôi kéo bạn bè, nhân viên từ công ty cũ đi cùng. Có nhiều mức độ khác nhau, từ một vài người đến cả một ê kíp cùng rủ nhau bỏ đi.

Ngược lại, cũng có những DN đặt hàng tuyển ứng viên quản lý với chính sách đi kèm là sẵn sàng “dọn đường” để họ toàn quyền quyết định về nhân sự. Một DN hoạt động ở ngành hậu cần đã kéo về DN mình nhiều nhân viên chủ chốt của đối thủ cạnh tranh. Ở một DN khác chuyên về thực phẩm, toàn bộ hệ thống nhân sự kinh doanh từ quản lý cấp trung đến cấp cao rủ nhau qua một DN vốn là đối thủ cạnh tranh. Đình đám nhất gần đây là vụ một tổng giám đốc có tên tuổi ở một công ty liên doanh chuyên về thực phẩm đã kéo theo nguyên dàn lãnh đạo cấp dưới về một DN khác.

Câu hỏi đặt ra là vì sao có hiện tượng trên? Qua quá trình trao đổi, phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy có những nguyên nhân nổi bật như sau: Thứ nhất, lý do khiến người quản lý lôi kéo ê kíp của mình ở DN cũ đến DN mới là vì họ vốn có quan hệ thân mật với nhau, làm việc ăn ý, có thể thuận lợi khi về DN mới. Thứ hai, vì “giận” công ty cũ, muốn “trả đũa” nên lôi kéo mọi người bỏ đi. Thứ ba, thuận theo yêu cầu thay đổi nhân sự theo kiểu bốc cả ê kíp của DN mới.

Cũng cần nói rõ thêm là ở một số DN, nhiều nhân viên quản lý cấp trung thường chọn cho mình “minh chủ”, “ông tổng” giỏi và sẵn sàng đầu quân ở bất cứ đâu. Những lý do thường được họ đưa ra khi bỏ đi là vì không đồng ý với những thay đổi trong các chính sách của DN, không thích hoặc bất đồng với cách làm việc của người quản lý mới hoặc vì lợi ích cá nhân như chế độ lương và đãi ngộ, cơ hội thăng tiến ở DN cũ không bằng DN mới hoặc là vì tình cảm: họ phản ứng với DN về sự ra đi của người quản lý mình, do không muốn hợp tác với người mới…

Tiềm ẩn rủi ro

Trên thực tế, việc  tuyển dụng ê kíp quản lý tạo ra cái lợi cho cả 3 bên. Cái lợi đầu tiên đối với người quản lý là khi lôi kéo được ê kíp về làm việc với mình, công việc của họ sẽ thuận lợi hơn và có thể hiệu quả hơn nhờ ở sự đồng thuận, hiểu rõ năng lực, ưu điểm của từng người. Đối với DN sử dụng ê kíp mới, cái lợi thấy rõ nhất là nhanh chóng có được một đội ngũ nhân sự quản lý giỏi mà không phải tốn công tìm kiếm, huấn luyện, đào tạo.

Thêm nữa, thông qua việc rước ê kíp mới về, DN nắm được thông tin, bí quyết kinh doanh, khách hàng của đối thủ cạnh tranh. Ngay cả DN mất ê kíp cũng có cái lợi là có dịp  xem xét lại các chính sách, chế độ của mình; thiết lập các biện pháp phòng tránh rủi ro từ việc nhân viên bỏ đi và tìm kiếm được ứng viên tài năng khác.

Tuy thế, cần đề phòng lợi bất cập hại từ việc áp dụng mô hình này. Một cách nhìn nhận đơn giản là những gì ê kíp này có thể làm với DN cũ thì cũng có thể làm với mình; thậm chí có thể ở mức độ nặng nề hơn. Những gì có thể mua được bằng tiền thì sau đó đều có thể được người khác mua lại bằng tiền. Chấp nhận cả ê kíp là chấp nhận rủi ro bè phái. Bè phái này có thể gây áp lực lên chính DN trong các chính sách kinh doanh, tiền lương, chế độ đãi ngộ, cản trở đổi mới…

Kéo cả một ê kíp của một DN khác về với mình còn là tự gây ra “chiến tranh” với DN đó và có thể dẫn đến các hành động trả đũa. Thêm nữa là tiếng tăm trên thị trường của DN cũng sẽ bị ảnh hưởng, phải trả giá đắt trong quan hệ làm ăn.

Có 3 cái thiệt mà nhà quản lý kéo theo ê kíp rời bỏ DN, đó là:

1. Bỏ lỡ cơ hội được va chạm, học hỏi từ những đồng nghiệp mới.

2. Bị đánh giá về đạo đức nghề nghiệp, giảm uy tín nếu cố tình lôi kéo người khác cùng bỏ DN làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN cũ hoặc có hành vi tiết lộ các thông tin kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh.

3. Các DN tuyển dụng sau này, khi thấy hồ sơ ứng viên làm cho các đối thủ cạnh tranh liên tiếp nhau, sẽ lo lắng, không dám tuyển.

Theo TS LÊ THỊ THÚY LOAN (Giám đốc Công ty Loan Lê)
Người lao động

Bình luận (0)