Tỉ lệ học sinh trượt tốt nghiệp THPT kỳ thi năm 2009 ở một số địa phương khu vực ĐBSCL khá cao. Sau những băn khoăn, không ít học sinh (HS) đã nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường dạy nghề với loại hình đào tạo ngành nghề – văn hóa là sự lựa chọn.
Năm học 2009 – 2010, nhiều trường dạy nghề ở ĐBSCL dành khoảng 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh cho HS trượt tốt nghiệp THPT. Tới thời điểm này, tại một số trường, số hồ sơ dự tuyển của HS trượt tốt nghiệp đã vượt quá chỉ tiêu.
Tại Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, số hồ sơ dự tuyển của đối tượng chưa tốt nghiệp THPT hiện đã lên đến 500, nhưng trường chỉ có khả năng tuyển từ 200 – 250 HS thuộc đối tượng này. Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Sóc Trăng Phạm Khánh Việt cho biết, tuy thời hạn nhận hồ sơ dự tuyển chưa kết thúc, nhưng nhiều khả năng năm nay nhà trường phải tiếp tục mở hệ B để giải quyết "đầu vào".
Còn Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ ngoài đào tạo tại trường còn liên kết với các trung tâm dạy nghề ở các địa phương trong khu vực ĐBSCL (các trung tâm này đảm trách phần dạy văn hóa).
Trước áp lực "đầu vào", Trường CĐ Nghề Sóc Trăng đang ráo riết thi công công trình mở rộng cơ sở vật chất (giai đoạn 2) gồm 15 phòng lý thuyết, xưởng thực hành ngành chế biến thực phẩm và điện – điện tử, dự kiến hoàn thành kịp vào đầu năm học 2009 – 2010. Còn Trường Trung học Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ cũng triển khai xây dựng thêm cơ sở 3…
Theo ban giám hiệu một số trường dạy nghề ở ĐBSCL, không phải HS nào trượt tốt nghiệp cũng có điều kiện học lại hay tự ôn tập để năm sau tiếp tục thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, loại hình đào tạo ngành nghề – văn hóa chính là sự lựa chọn của nhiều HS. Theo đó, HS học hết chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp, vào học trường nghề (2 năm học nghề, 3 tháng học văn hóa), khi tốt nghiệp được cấp bằng TC nghề đồng thời cũng được công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo quy định, với tấm bằng này HS có thể học các chương trình liên thông lên trình độ cao hơn, dự thi vào CĐ, ĐH. Đó chính là một trong những yếu tố chính khiến nhiều HS trượt tốt nghiệp THPT quyết định nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường nghề, bởi hầu hết đều có mong muốn tiếp tục được học lên cao hơn khi có điều kiện.
Lê Như Giang (LD)
Bình luận (0)