Trước tình trạng nhiều ca bệnh nhiễm liên cầu lợn nhập viện liên tiếp thời gian qua, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) phân tích: các ca bệnh nặng hay tử vong phần lớn là bệnh nhân nghiện rượu.
|
Bệnh nhân Ngô Văn Va bị nhiễm liên cầu lợn đang được điều trị. Ảnh T.Hà. |
Khi nghiện rượu, cơ thể suy yếu nên dễ bị vi khuẩn liên cầu lợn thâm nhập dễ dàng hơn người khỏe mạnh. Trong số bệnh nhân nhập viện thì có tới hơn 40% bệnh nhân ăn tiết canh, lòng lợn và các sản phẩm khác của lợn như tràng lợn, nem chua…
Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể, mà vẫn gặp rải rác quanh năm. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện, một tháng trở lại đây số bệnh nhân nhiều hơn bình thường và có 2 bệnh nhân tử vong. Nhất là trong đợt Tết, số bệnh nhân mắc liên cầu lợn ở lại bệnh viện điều trị nhiều hơn Tết năm 2012.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khẳng định đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này nhưng không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Các nghiên cứu cho thấy nguồn lây duy nhất được xác định là từ lợn nhiễm liên cầu khuẩn. Vì vậy, chỉ cần có ý thức nấu chín đồ ăn, không ăn tiết canh, nem chạo, tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn an toàn là có thể phòng nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Ngoài ra không nên ăn các loại tiết canh động vật vì trong tiết sống chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Các nghiên cứu cho thấy khi vào cơ thể người, vi khuẩn lợn có thể gây bệnh cảnh trầm trọng cho người bệnh. Người bệnh có thể bị viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, hoặc bị thể nhiễm trùng huyết, hoặc bị cả hai loại bệnh trên cùng lúc. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết… Chỉ sau thời gian rất nhanh, bệnh nhân rơi vào tình trạng shock nặng, tụt huyết áp, khó thở, tím tái, suy gan và thận nhanh. Tỷ lệ tử vong có thể tới trên 10%. Ngoài ra người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm.
Hiện ngành y tế xác định căn bệnh này lây từ lợn sang người qua đường tiêu hóa và tiếp xúc, chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ người sang người. Nguồn lây duy nhất vẫn được xác định là từ lợn nhiễm liên cầu khuẩn. Bác sĩ khuyến cáo cần nấu chín đồ ăn, không ăn tiết canh, nem chạo, tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn an toàn để phòng nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Thái Hà – TPO
Tin liên quan
Chiều 9-1, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ...
Tối 7-1, Saigontourist Group đã thông tin về Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Non sông gấm...
Ngày 3-1-2025, Trường Trung cấp Quốc tế Mekong phối hợp với UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ và phòng...
Trong năm 2024 vừa qua, những nghệ sĩ này đã ghi điểm với khán giả qua những vai diễn ấn tượng, đồng...
Bình luận (0)