Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Người khuyết tật cần được đào tạo nghề để tăng cơ hội tìm việc.

Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu NKT nặng, chiếm 21,5% tổng số NKT).

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định, thông tư hướng dẫn các chính sách về việc làm, đào tạo nghề cho NKT, nhưng việc tiếp cận các cơ hội đó còn nhiều rào cản.

Quy định DN phải tuyển LĐ khuyết tật: Không dễ cho cả hai
Nghị định 81/CP, ngày 23.11.1995 của Chính phủ đã quy định: "Mỗi DN thuộc mọi thành phần kinh tế phải nhận từ 2-3% NKT trong tổng số LĐ của DN. Nếu DN không nhận đủ NKT vào làm việc thì DN phải đóng góp vào ngân sách thuộc quỹ việc làm dành cho NKT ở tỉnh đó". Quy định như vậy, nhưng không dễ thực hiện. Số DN nhận đủ NKT vào làm việc hiện nay rất ít và quỹ việc làm cho NKT ở hầu hết các địa phương đều trống. Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến nay cả nước chỉ có 11 tỉnh, TP lập quỹ việc làm cho NKT.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Xuân Lập cho biết: Trừ một số NKT có biệt tài có thể tự đứng ra SXKD, còn lại phổ biến NKT làm việc trong các hợp tác xã, gia đình. Việc tiếp cận với các DN không dễ, hoặc có nhưng thiếu tính bền vững bởi hầu hết các DN đều sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại, khó bố trí những vị trí phù hợp với sức khỏe, trình độ của NKT. Mặt khác, theo ông Lập: Quy định còn khó cho cả NKT, bởi nếu NKT không đủ sức khoẻ đáp ứng đòi hỏi công việc thì họ sẽ là gánh nặng cho DN.
Chỉ nên khuyến khích

Thực tế, cũng có DN sẵn sàng nhận LĐ là NKT, nhưng lại không tuyển đủ tỉ lệ 2% theo quy định vì thiếu NKT đáp ứng được công việc. Vì vậy, Dự thảo Luật Người khuyết tật lần 6 vừa được Quốc hội đưa ra bàn thảo ngày 24.11, đã chỉnh sửa theo hướng: Không quy định bắt buộc về việc sử dụng LĐ là NKT vào làm việc trong các DN, mà đưa ra chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các DN nhận LĐ là NKT.
Khoản 8, Điều 26 dự thảo Luật NKT nêu rõ: Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và DN nhận NKT vào làm việc. DN sử dụng từ 2% đến dưới 51% LĐ là NKT làm việc thì được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển SXKD và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ đối với số LĐ là NKT.
Theo đại diện Bộ LĐTBXH: Những quy định trong dự thảo luật cũng phù hợp với nguyện vọng của NKT là muốn được bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng, bố trí công việc như những người bình thường khác, chứ không phải là sự ban ơn của xã hội.

Thống kê chưa đầy đủ, có 37% NKT đang sống trong hộ nghèo; 24% ở nhà tạm; 34,4% từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,24% chưa tốt nghiệp tiểu học; 79,13% trong độ tuổi LĐ không có khả năng tham gia LĐ; 88,94% từ 16 chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề); 79,13% sống dựa vào gia đình, người thân… Đây là những cản trở NKT tiếp cận học nghề, tìm việc làm… dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Theo LD

Bình luận (0)