Một đối tượng lao động mới nổi lên, trở thành một lực lượng thu hút sự quan tâm của các công ty làm về quảng cáo, tổ chức sự kiện, thiết kế đồ họa, lập trình web… Họ là những lao động tự do (freelancer).
Chị Nguyễn Thế Thiên Trang cùng cộng sự thảo luận dự án xây dựng chương trình cho một công ty sữa tại một quán cà phê. Lao động tự do, nơi làm việc của họ cũng rất tự do – Ảnh: NG.TRƯỜNG |
Đó là những lao động bậc cao thường làm công việc thiên về sáng tạo, làm việc trong các lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện, phần mềm… “Đánh” xong là rút, đó là đặc trưng lao động của họ.
Có cung, có cầu
Công ty quảng cáo NewLook mỗi năm nhận được gần 30 hợp đồng, có hợp đồng trị giá gần 1 tỉ đồng, thế nhưng nhân lực chính thức của công ty chỉ vỏn vẹn sáu người. Ông Tuấn – giám đốc công ty – cho biết: “Mỗi chương trình có khi cần đến 50 người mới kham nổi, và công ty luôn phải huy động lực lượng lao động tự do”.
Freelancer là một thuật ngữ dùng để chỉ những người lao động tự do, không làm chính thức cho một công ty nào. Freelancer không đồng nghĩa với người thất nghiệp và nhảy việc, đây là một lực lượng lao động thường có trình độ cao, chủ yếu trong các ngành nghề sáng tạo. |
Việc tận dụng nguồn lao động không cố định này không chỉ giúp Newlook giảm quỹ lương, mà còn đem lại sự linh hoạt trong tổ chức và không nhất thiết cần trụ sở quá lớn. Ông Tuấn cho biết: “100% công ty quảng cáo hiện nay sử dụng lực lượng này. Mỗi công ty đều tạo cho mình một mạng lưới quan hệ thân thiết với nhiều lao động tự do”.
Với những hợp đồng bằng miệng và dĩ nhiên tính pháp lý chưa rõ ràng, nghề làm việc tự do này hiện nay vẫn chưa được công nhận một cách chính thống. Nhưng nhiều công ty vẫn ưa chuộng sử dụng lực lượng này vì tính tiện lợi của nó. Tất cả chỉ được xây dựng trên những mối quan hệ bằng niềm tin và uy tín lẫn nhau.
Ông Thanh – kiến trúc sư của Công ty ANT, đã từng thay đổi nhiều nghề: nội thất, thiết kế công trình dân dụng, quy hoạch quản lý dự án… ở nhiều công ty khác nhau – cũng khẳng định các công ty luôn sử dụng lực lượng lao động này để đảm bảo công việc trôi chảy. Với một đặc thù nổi bật là tính thời vụ trong xây dựng, lực lượng trên là nguồn cung ứng cần thiết mỗi khi mùa xây dựng tới. Ông Thanh nhận định: “Với ngành kiến trúc sư huy động được nhiều người là huy động được nhiều ý tưởng. Và nếu sử dụng lao động tự do thì chi phí sẽ ít tốn kém hơn”.
Tự phấn đấu, tự đào tạo
Trong xu thế nghề lao động tự do này ngày càng được sử dụng nhiều hơn, nó cũng được yêu cầu cao hơn về chất lượng. Tự đào tạo chính mình là cách mỗi người giữ vững thương hiệu cá nhân và thắt chặt mối quan hệ cũ cũng như tạo lập nên những công việc mới.
Anh Tuấn, một lao động tự do trong ngành kiến trúc, chia sẻ: “Không làm cho bất cứ ai nghĩa là tự mình phải chịu trách nhiệm mọi việc từ A – Z, đó là một vị trí nhiều áp lực”. Lúc rảnh rỗi, Tuấn luôn tự bổ sung kiến thức các lĩnh vực liên quan để xây dựng thêm cho nghề chính từ bạn bè và Internet.
Từng làm giám đốc phát triển ý tưởng cho Công ty TCM, một công ty trong ngành quảng cáo (Below the line marketing) tại Việt Nam, với mức lương gần 3.000 USD/tháng, chị Thiên Trang chuyển hẳn qua làm tự do vì muốn được chủ động hơn trong cuộc sống. Với uy tín đã được tạo dựng sẵn, chị nhận được nhiều hợp đồng từ các công ty, và dĩ nhiên chị vẫn thường xuyên bổ sung kiến thức nghề để tự làm mới mình.
Mỗi tháng chị thường đi du lịch để tìm hiểu các ý tưởng quảng cáo nhiều nơi trên thế giới. Chị cũng thường xuyên vào các trang web nghề để cập nhật kiến thức nghề mới nhất. Chị nói: “ Nghề này đào thải nhanh lắm, nếu không làm thường xuyên sẽ bị người ta quên ngay. Quan trọng là phải luôn nhắc cho người ta nhớ rằng mình còn mới”.
Tự do chọn lựa việc và tự do chọn lựa đối tác làm công việc có nhiều chọn lựa và thay đổi hơn. Với sự phát triển của mạng xã hội, sự kết nối, liên lạc và thể hiện mình của mỗi lao động tự do ngày càng có tính chuyên nghiệp.
NGỌC TRƯỜNG/TTO
Bình luận (0)