Thiếu hụt lao động phổ thông đang là bài toán khó tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trao đổi với phóng viên về sự thiếu hụt này tại các khu công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM, ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Tp.HCM (Hepza), nói:
– Hiện Tp.HCM có 13 khu chế xuất, khu công nghiệp và có hơn 1.000 doanh nghiệp, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp hiện rất lớn. Hepza vừa tiến hành khảo sát nhu cầu lao động năm 2010 và đã nhận được thông tin từ hơn 300 doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng lao động.
Từ đầu năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp Tp. HCM đã tuyển được 17.000 lao động, nhưng vẫn còn cần khoảng 37.000 lao động từ nay đến cuối năm.
Lao động chê việc vì thu nhập thấp
Sự thiếu hụt lao động trầm trọng xuất hiện tại tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước , đặc biệt là ở Tp.HCM theo ông nguyên nhân do đâu?
Thiếu hụt lao động ở Tp.HCM có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do quan trọng nhất là từ đầu năm 2010, các doanh nghiệp phát triển trở lại, cần bù đắp lao động do khủng hoảng kinh tế trước đây họ đã cho nghỉ bởt.
Trong khi đó, sau Tết, công nhân không trở lại làm việc do ở hầu hết các tỉnh đều có khu công nghiệp. Lao động ở lại quê làm việc, lương không chênh lệch nhiều, gần nhà, giá cả sinh hoạt có thể chấp nhận được. Trong khi ở thành phố lương không theo kịp giá cả, nhà ở, thức ăn, các sinh hoạt khác đều tăng. Nhu cầu tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đặt thêm dây chuyền máy móc thiết bị đẩy mạnh sản xuất nên cũng cần tăng cường lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp không tuyển được lao động không phải do thị trường đang thiếu lao động, bởi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Thiếu lao động hiện nay chủ yếu vẫn do lao động chê chỗ làm việc trong nhà máy có thu nhập thấp, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đấy là một thực tế.
Mới đây Hepza cũng đã tiến hành thanh tra về lao động đều thấy, các doanh nghiệp đều không vi phạm qui định về lương tối thiểu. Không doanh nghiệp nào vi phạm nhưng sống bằng lương tối thiểu thì không người lao động nào có thể sống nổi. Mức lương này lạc hậu so với thực tế quá nhiều.
Mức lương trong doanh nghiệp FDI theo qui định của Chính phủ là 1.340.000 đồng/tháng thì các doanh nghiệp nhích lên 1,4 – 1,5 triệu đồng, thêm mấy khoản phụ cấp, thu nhập bình quân của lao động vào khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, thu nhập thấp cũng khiến nhiều lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp chuyển dịch sang một số lĩnh vực khác và lựa chọn công việc tự do…
Tôi có thể lấy ví dụ thế này, các ngành dịch vụ, xây dựng đang phát triển quá nhanh, một lao động phổ thông làm công việc phụ hồ cũng kiếm được từ 80.000 – 100.000 đồng/ngày; nếu biết xây, hoặc thợ xây giỏi có thể thu nhập từ 120.000 – 150.000 đồng/ngày. So với lao động trong nhà máy thì thu nhập của lao động tự do cao hơn rất nhiều.
Vì vậy theo tôi, muốn giải bài toán này hiệu quả nhất, tự thân các doanh nghiệp phải tìm cách cải thiện đời sống của người lao động. Muốn tuyển được lao động, không có cách gì khác ngoài lương cao, mức đãi ngộ công nhân phải tốt hơn.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động nên áp dụng biện pháp tăng ca, đây cũng là cách để lao động kiếm thêm thu nhập. Doanh nghiệp cũng sòng phẳng trả giờ làm thêm bằng 200% lương ngày bình thường theo đúng qui định của Nhà nước. Tuy nhiên, khi tăng ca quá mức thì về lâu dài không công nhân nào đủ sức khỏe để chịu nổi.
Không cấp phép cho doanh nghiệp thâm dụng lao động
Tăng lương, tăng thu nhập là điều quan trọng không phải doanh nghiệp không nhìn ra, tuy nhiên tăng lương cũng phải phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp. Vậy, ngoài chuyện cải thiện thu nhập, ông thấy doanh nghiệp thường làm gì để đối phó với sự thiếu hụt lao động?
Tại một số khu công nghiệp, chế xuất Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi trong chiến lược giữ chân và thu hút lao động. Đặc biệt là một số doanh nghiệp ở khu công nghệ cao, phòng ăn cũng đã gắn máy lạnh, mức ăn được nâng lên 15.000 – 17.000 đồng/bữa.
Một số doanh nghiệp thì xây nhà lưu trú, thuê nhà lưu trú cho công nhân. Điển hình là Công ty Nissei, ở khu công nghiệp Linh Trung 2, đã xây được nhà lưư trú rộng rãi, khang trang, có trang bị cả máy giặt.
Bản thân doanh nghiệp cũng ý thức được việc sắp xếp lại lao động. Những khâu nào máy móc thay thế được thì đầu tư thêm. Như có doanh nghiệp trước kia dùng 2.000 lao động, giờ tiết kiệm được 1/3 do sử dụng nhiều công đoạn máy móc có thể thay thế.
Vậy, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có vai trò như thế nào trong việc cải thiện tình hình?
Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tuyển dụng, kết nối doanh nghiệp với các địa phương để thu hút lao động thì chúng tôi cũng có nhiều chủ trương và các cuộc vận động rất thiết thực.
Tp.HCM đã có chủ trương xiết chặc ngay từ đầu việc cấp phép cho doanh nghiệp vào khu chế xuất, khu công nghiệp. Thành phố chỉ cấp phép đầu tư, xây dựng cho những doanh nghiệp sử dụng ít lao động. Những doanh nghiệp thâm dụng lao động và ô nhiễm môi trường như may mặc, da giày, dệt nhuộm… mấy năm nay không cấp phép cho vào khu công nghiệp.
Ngoài ra, thành phố đã vận động các công ty hạ tầng cho thuê đất để làm khu công nghiệp dành đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Đến nay, thành phố đã xây dựng xong 6 khu nhà ở, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho công nhân.
Hiện, chúng tôi cũng đang vận động các doanh nghiệp đầu tư xây nhà trẻ cho công nhân gửi con. Thiếu chỗ gửi con đang là một thực tế khiến rất nhiều công nhân nữ phải nghỉ việc. Vì thế, xây dựng hệ thống nhà trẻ để công nhân yên tâm gửi con, cũng là một trong những cách giúp họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo VnEconomy
Bình luận (0)