Giám sát vấn đề người VN làm việc ở nước ngoài tại phiên họp UBTVQH chiều 14-9, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại về tình trạng người lao động bỏ trốn, hoặc cố tình ở lại sau khi hết hợp đồng.
Bỏ trốn để có tiền trả nợ
Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận nhìn nhận, có một bộ phận người Việt sang nước ngoài làm việc đã tạo ra hình ảnh không tốt trong mắt bạn. “Có đồng chí ở Đại sứ quán phàn nàn từ khi có lao động người VN sang đây, họ (ý nói người dân nước sở tại – PV) rất coi thường mình, rất khổ tâm”- Ông Thuận cho biết.
Còn Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, chính việc thiếu công khai, minh bạch với chi phí ngoài luồng lớn đè lên vai người lao động là nguyên nhân khiến họ phải vi phạm pháp luật: Bỏ trốn ra ngoài làm, tìm mọi cách kiếm tiền để hoàn lại phần đã phải bỏ ra. “Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp do DN vi phạm, công việc, thu nhập không đúng như hợp đồng đã ký. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?”-Ông Lưu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, cò mồi lừa đảo người lao động là có, nhưng nguyên nhân chủ yếu do người lao động thiếu thông tin. Chẳng hạn chi phí đi lao động Hàn Quốc chỉ có 669 USD thôi, nhưng môi giới lại thu đến 60 triệu đồng. Thực tế, DN vi phạm thường không có chức năng về xuất khẩu lao động. “Còn những trường hợp vi phạm hợp đồng với người lao động thì các DN phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra, yêu cầu báo cáo khi có vi phạm”- Bà Ngân nói.
Hoàn thiện cơ quan quản lý người VN ở nước ngoài
Theo báo cáo, đến nay lao động Việt Nam đã tham gia làm việc tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với khoảng 80 ngàn người. Mỗi năm người lao động gửi về nước 1,6-2 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho rằng: Hệ thống cơ quan quản lý người VN ở nước ngoài cần hoàn thiện và được tổ chức tốt hơn nữa. Khi số lao động lên đến một mức nào đó, phải có cơ quan quản lý đặt tại nước đó. Vấn đề này Bộ Ngoại giao và các bộ ngành cần phối hợp, bàn bạc cụ thể.
Nguyễn Tuấn / TPO
Bình luận (0)