Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vị thành niên hút thuốc lá: Cha mẹ có thể làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Ngày càng có nhiều người trẻ hút thuốc lá, đặc biệt là trẻ vị thành niên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất hóa học, trong đó có gần 50 chất gây ung thư, có thể gây ra 25 căn bệnh đe dọa tính mạng con người như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch,… Hàng năm, toàn thế giới có khoảng 5 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, ở Việt Nam là hơn 40.000 người tử vong mỗi năm.

Dưới đây là một số cách bạn có thể giúp con mình tránh xa sự cám dỗ của thuốc lá:

– Hãy là một tấm gương tốt. Trẻ sống với người hút thuốc có khả năng hút thuốc cao gấp 2-3 lần khi chúng ở tuổi vị thành niên. Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng hút vì tương lai của con bạn.

– Hãy trung thực với trẻ. Nói những kinh nghiệm của mình về thuốc lá, kể cả sai lầm của mình.

– Thiết lập và tuân thủ quy tắc về hút thuốc trong gia đình. Hãy cho trẻ biết bạn cảm thấy thất vọng như thế nào nếu phát hiện chúng hút thuốc. Nếu con bạn hút thuốc, hãy tìm cơ hội để trò chuyện với chúng về cảm giác của bạn hơn là phản ứng mạnh mẽ, quát tháo, đánh… chúng.

– Biết về những người bạn của con và cha mẹ của những bạn đó. Hãy tìm hiểu xem liệu chúng có hút thuốc không. Con của người hút thuốc thường dễ hút thuốc hơn. Trẻ vị thành niên thường hút thuốc lần đầu với người bạn đã từng hút thuốc.

– Cho con bạn biết thuốc lá là chất gây nghiện. Chỉ mất thời gian ngắn người hút thuốc có thể trở nên nghiện nicotin trong thuốc lá. Khi đó bỏ thuốc rất khó và cần nhiều nỗ lực.

– Dạy trẻ biết về tác động tiêu cực của thuốc lá tới sức khỏe. Khói thuốc chứa nhiều chất độc, gồm cyanid, formaldehyd, cacbon monoxid và benzen… Hãy nói cho trẻ biết những bệnh liên quan đến khói thuốc.

– Giúp con đối phó với áp lực của bạn cùng lứa. Cùng con đưa ra các tình huống và cách xử trí khi bị trẻ cùng lứa gây áp lực để con bạn hút thuốc.

– Hãy chú ý tới những ảnh hưởng xã hội. Hút thuốc không còn được chấp nhận mang tính xã hội nữa. Người hút thuốc thường có hơi thở khó chịu, răng đổi màu, tóc và quần áo của họ bám mùi thuốc.

– Đem những hoạt động vào trường và cộng đồng của trẻ. Nhà trường, gia đình và cộng đồng cần hành động để giúp trẻ sống trong môi trường không khói thuốc. Hướng trẻ vào các hoạt động tích cực, như làm việc tình nguyện, ca nhạc, hoạt động thể lực thích hợp…

Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Tuyết Mai
Theo Tiền Phong

Bình luận (0)