Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề làm tóc giả “lên đời”

Tạp Chí Giáo Dục

Trải qua bao thăng trầm, nghề làm tóc giả nay không còn giới hạn đáp ứng nhu cầu cho khách hàng làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật hay người có khuyết điểm về tóc mà đã mở rộng đối tượng đến nhiều người, không phân biệt giới tính, tuổi tác do nhu cầu trang sức.

Tại tiệm uốn tóc MiMi (Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, TP.HCM) ngày đầu tuần thưa khách, nhưng gần chục nhân viên vẫn tất bật với việc cắt, chải, bới và nối tóc. Sau khi làm sạch gần 10 bộ tóc, họ chuyển qua công đoạn cắt, sấy và làm đẹp. Chị Thanh Hoa, thợ chính cho biết: “Đây là những bộ tóc giả, yêu cầu làm sạch, cắt tỉa nhiều kiểu khác nhau để thay đổi khi đi chơi cuối tuần hoặc dự lễ tiệc. Mỗi khách hàng sở hữu một hoặc cả bộ sưu tập bốn-năm đầu tóc. Làm tóc giả nên đòi hỏi người thợ phải thật cẩn trọng, tỉ mỉ”. Trước đây, khách muốn mua một bộ tóc giả (làm từ tóc thật) phải đặt hàng trước vài tuần, có khi cả tháng. Nay việc dùng tóc giả không còn là cá biệt mà trở nên thông dụng từ các bạn tuổi teen, phụ nữ đến cả nam giới. Hiện các tiệm tóc bình dân hay cao cấp đều có thể cung ứng các sản phẩm tóc giả qua kỹ thuật xử lý phong phú, thời gian hoàn thiện nhanh.
Chị chủ cửa hàng làm tóc Vườn Hoa (cửa Nam chợ Bến Thành, Q.1) chia sẻ: “Nhu cầu dùng tóc giả hiện nay rất lớn. Không chỉ khách hàng trẻ chạy theo thời trang, thích giống những thần tượng trên phim ảnh mà nhiều công chức, bà nội trợ cũng muốn thay đổi kiểu tóc mà không tốn nhiều thời gian”. Theo các chủ tiệm, nguồn tóc cung ứng hiện không còn khó khăn như trước. Giá tóc giả khá cao, tùy thuộc vào chất lượng, số lượng (lọn kết sẵn hay trọng lượng) và độ dài của mái tóc. Giá một lọn tóc kết sẵn khoảng 80.000đ (20 gram tóc, loại 20cm). Một bộ tóc “thô” mua trực tiếp giá khoảng 300.000đ-400.000đ (loại 30cm trở lên), khi thành phẩm có thể cao gấp 10 lần. Giá thành phẩm thấp nhất 1.000.000 đ/bộ tóc ngắn và có thể từ 2.000.000đ – 8.000.000 đ/bộ tóc dài. Nghề làm tóc giả “hái ra tiền” còn nhờ dịch vụ chăm sóc định kỳ, đó là chải, gội, làm kiểu như một bộ tóc thật mà không cần chủ nhân có mặt tại tiệm.
Chủ tiệm tóc Mừng Thiên Nga (Trần Hưng Đạo, Q.5) cho biết: “Người làm tóc phải có khả năng nhận biết chất lượng tóc giả cùng với việc chọn kiểu, chọn mẫu tóc (độ dày mỏng, óng mịn, màu sắc) để cắt tỉa, tạo dáng phù hợp. Có những bộ tóc chỉ thay đổi một phần, cấy ghép từng bộ phận hoặc nối tóc kiểu “tóc giả như thật”, đảm bảo sự hài lòng và phù hợp sở thích của khách hàng”.
Theo các thợ làm tóc giả, giá trị của bộ tóc giả ngoài việc hợp với gương mặt chủ nhân còn là tuổi thọ, độ bền về màu sắc, sự óng mượt để người sử dụng có thể tùy ý thay đổi kiểu. Theo thời gian, bộ tóc giả còn giữ nguyên sự mới mẻ khi được chăm sóc đúng kỹ thuật (làm sạch định kỳ, dùng nước dưỡng tóc, để nơi khô ráo, mát mẻ). Bạn Thúy Vy, thợ gội chính của tiệm BiTi (đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Làm tóc giả khó hơn tóc thật vì phải chọn lựa các loại tóc cho đều nhau, cả về hình dáng lẫn màu sắc. Một ngày, mỗi người thợ hoàn thiện được ba-bốn bộ tóc giả, trong khi tóc thật có thể làm gấp đôi. Khi khách hàng đã lựa được bộ tóc phù hợp (đẹp và đều như tóc thật) thì việc chăm sóc, tạo kiểu sẽ đơn giản hơn”.
Tiệm Thanh Long Mới (Võ Thị Sáu, Q.1) tồn tại gần 70 năm qua với ba thế hệ gắn bó với nghề. Chị Thúy Hồng, một trong bốn người con gái của nghệ nhân kết tóc giả nổi tiếng Sài Gòn – ông Ba Sang – tự hào kể: “Chúng tôi có nhiều khách hàng quen thuộc từ khi mái tóc họ còn xanh, nay đầu đã bạc. Chúng tôi lưu giữ nhiều tư liệu cũ, nhiều hình ảnh nghệ sĩ tên tuổi từng làm tóc tại đây để khách tham khảo”.
Song Khê / Phụ Nữ

 

 

Bình luận (0)