Nhiều tài xế taxi lo doanh thu giảm sút sau khi có lệnh cấm hoạt động vào giờ cao điểm trên một số tuyến phố ở Hà Nội vào dịp Tết, khi thời điểm này được xem là mùa "kiếm cơm" chính.
Lái taxi ở Hà Nội hơn 5 năm nay, đây là lần đầu tiên anh Nguyễn Văn Khải nhận được thông tin cấm hoạt động trên nhiều tuyến đường nội thành vào dịp Tết đến vậy. Anh Khải cho hay, mọi năm, lễ Tết, 2/9 hay 10/10…, taxi đều không được đi vào phố cổ, khu vực gần Lăng Bác hoặc nơi diễn ra diễu hành. Còn nay, những truc đường cấm taxi như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Xuân Thủy… đều là những con phố đông người nên lượng khách của anh có thể bị giảm nghiêm trọng.
Nhiều tài xế lo doanh thu giảm sút với lệnh cấm đường dịp Tết. |
Theo anh Khải, hầu hết các gia đình trên những tuyến phố bị cấm sẽ hạn chế nhu cầu sử dụng taxi, do họ phải đi bộ một đoạn khá dài mới lên được xe hoặc về nhà. Khách thường gọi taxi để vào các tuyến phố mua sắm như Cầu Giấy, Chùa Bộc nay cũng hạn hữu hơn. "Mùa đông, trời rét, taxi mới đắt khách, giờ lại cấm trên 5 trục đường chính đó thì lượng khách phải giảm đến 50%. Thưởng đã thấp, vài ngày cuối năm lại không kiếm ăn được thì vợ con ăn Tết bằng gì", anh Khải lo lắng.
Đồng quan điểm như vậy, anh Phạm Sơn Hải, nhân viên của một hãng taxi lớn ở Hà Nội cho biết, lượng khách giảm khiến số tiền thu về mỗi ngày ít, đồng nghĩa với việc phần trăm lợi nhuận ăn chia với hãng sẽ thấp. Anh giải thích, nếu mỗi ngày làm được 1,2 triệu đồng trở lên, anh được hưởng 51% trong số đó. Nếu ít hơn, tỷ lệ chỉ là 42%. Tuy nhiên, với việc cấm đường, anh rất khó kiếm được một triệu đồng mỗi ngày.
Anh Hải nhẩm tính, thời điểm này mọi năm, anh thường chạy xe được từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi ca, do nhu cầu đi lại của khách mùa đông và dịp Tết tăng cao. Với doanh thu đó, anh được hưởng gần một triệu đồng tiền công, bao gồm tự bỏ tiền xăng xe. Còn nếu bị cấm đường, làm cả ngày, anh cũng khó thu nổi 300.000 – 400.000 đồng.
Anh Hải chia sẻ, nhiều tuyến phố bị cấm, người lái taxi buộc phải đi đường vòng nên chi phí xăng xe tốn hơn. Trong khi khoản này đều do tài xế tự chi trả, chứ không được công ty hỗ trợ. "Đi vòng thì khách đi bực mình vì tốn thêm tiền, thêm thời gian, còn lúc đón khách, cũng phải đi vòng vèo, tiền xăng lại do mình bỏ nên tiền lãi theo đó giảm nhiều", anh Hải nói.
Chuyên chạy tuyến đường Hà Nội – Nội Bài, anh Hoàng Tiến Thành cũng lo mất Tết nếu nhiều trục đường chính ở thủ đô bị cấm. Anh Thành kể, mỗi chuyến xe từ nội thành lên sân bay, khách trả khoảng 250.000 đồng. Anh được hưởng gần 20% trong số đó, xăng xe do công ty đổ. Nếu không may đi vào tuyến đường cấm, mức phạt anh tự phải bỏ tiền túi ra chịu là 1,7 triệu đồng.
"Có lệnh cấm rồi đương nhiên không dám đi vào các tuyến phố đó để đón khách nữa, nhưng không vào thì không có khách nên không có tiền. Đến lúc hết giờ cấm, nhu cầu sử dụng xe tăng lên, có khi còn dẫn đến ùn tắc trên đường cao tốc", anh Thành nói.
Trao đổi với phóng viên , ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng Taxi Hương Lúa cho biết đã nhận được thông tin trên và thông báo đến toàn thể nhân viên lái xe để chấp hành. Theo ông Sáu, điều này ít nhiều khiến người lái xe và khách tiêu dùng gặp khó khăn và tốn kém hơn khi di chuyển. "Tôi cũng đã quán triệt với nhân viên là đi đường vòng đón trả khách để tránh các tuyến phố bị cấm. Nhưng cũng vì thế mà chi phí khách bỏ ra mỗi chuyến nhiều hơn, lái xe có ít khách thì thu nhập cũng bị giảm sút", ông Sáu nói.
Ông Đinh Văn Sáu cho rằng với những ngày trước và sau Tết, lưu lượng xe cộ tại Hà Nội rất đông nên lệnh cấm taxi trên một số tuyến đường là cần thiết. "Tuy nhiên, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người về quê, Hà Nội sẽ trở nên vắng vẻ hơn, nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân lại tăng cao, nên tôi nghĩ việc cấm đường cần xem xét lại", ông Sáu kiến nghị.
|
Theo VnExpress
Bình luận (0)