Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy cơ nhiễm bệnh do đá bẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Với thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng nước đá của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, đa số các cơ sở bán đá đều không đảm bảo những yêu cầu cơ bản về vệ sinh, quy trình kỹ thuật, khiến nguy cơ mắc bệnh của người dùng tăng cao, nhất là các bệnh về đường ruột.

Đá bán rẻ như cho
Qua khảo sát tại các điểm bán đá trên địa bàn thành phố, hiện đa số các cửa hàng này chủ yếu bán nước đá do tư nhân sản xuất, không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Đá bẩn được bày bán trên vỉa hè bụi bặm, được che đậy qua loa bằng bao nylon.
Tại một điểm bán đá cây tại chợ Gia Lâm, người bán hàng xếp những cây đá to lên một tấm nylon, phủ xung quanh và phía trên một tấm vải  cáu bẩn, được để ngay trên miệng cống thoát nước hôi thối. Một cây đá to tại đây có giá khoảng 70.000 đồng, còn đá viên có giá khoảng 7.000 đồng/kg, nếu vào tháng cao điểm nóng, giá đá cây tăng thêm từ 20.000 – 40.000 đồng/cây mà đôi khi vẫn không đủ hàng để bán.
Theo người bán hàng, đá ở đây được làm theo tiêu chuẩn đá sạch, nước được lấy từ nước máy và có qua lọc, khử trùng, lắng cặn nên người mua yên tâm về chất lượng. Mua thử một túi đá viên tại đây, trên bao bì chỉ ghi tên cơ sở sản xuất là “Thủy Tinh”, có trụ sở tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) chứ không hề ghi rõ ràng địa chỉ, số đăng ký chất lượng kiểm định.
Tình trạng trên là phổ biến tại hầu khắp các điểm bán đá, khi đa số các địa điểm này đều bán hàng trên vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh, khi khách có nhu cầu mua đá cây, người bán hàng vô tư lấy con dao để dưới đất chặt đá bằng tay, không đeo găng.
Với giá đá rẻ như vậy, nên tất cả các hàng quán đều lấy đá từ các cơ sở trên, nhà hàng thì lấy đá viên, đá bào, quán cóc thì mua đá cây về rồi chặt nhỏ ra để bán. Một người bán nước tại cổng ký túc xá ĐH Bách khoa bộc bạch: “Bán cốc trà chẳng lời lãi bao nhiêu, tôi cứ lấy đá cây ra mà bán, vừa rẻ mà cũng sạch, khách hàng uống mãi có bị làm sao đâu”. Nhưng nếu quan sát kỹ, các loại đá này nếu để lâu trong cốc sẽ có hiện tượng cặn lắng xuống, nước ngả màu vàng, uống có vị tanh.
Không chỉ việc bán và bảo quản không đảm bảo vệ sinh, ngay cả việc vận chuyển đá cũng đi ngược lại các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đá cây sản xuất xong, được để nguyên lên xe máy, xíchlô, xe ba bánh rồi đem giao cho nhà hàng, quán nước mà không hề được che đậy cẩn thận, mặc cho đường sá bụi bặm, sàn xe thì cáu bẩn.
Cơ quan chức năng bất lực trước đá bẩn?
Theo quy trình sản xuất nước đá tiêu chuẩn, nguồn nước làm đá phải được lấy từ độ sâu 90m, phải qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím; các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox để không bị gỉ sét theo thời gian…
Một tiêu chí quan trọng trong sản xuất nước đá là quy trình phải khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người, do đó nước đá viên tinh khiết hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu là đá sạch, khi cho vào cốc nước vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia, khi tan hết, nước trong như nước khoáng; thời gian tan chảy của đá viên tinh khiết lâu gấp 4 – 5 lần so với đá viên gia công…
Tuy nhiên, với mức độ “lấn át” của các loại đá bẩn, không rõ nguồn gốc khiến người sử dụng rất dễ bị mắc phải các bệnh về đường ruột, hô hấp. Theo các bác sĩ chuyên khoa về tiêu hoá, đá bẩn chính là nguyên nhân của nhiều căn bệnh về đường ruột như tiêu chảy cấp, đau dạ dày, các bệnh về hô hấp, đau răng…
Theo quy định, các loại đá cây chỉ được dùng để ướp lạnh thực phẩm vì các tiêu chí vệ sinh rất thấp, nhưng người dân vẫn dùng các loại đá này để bán nước khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Hiện các loại đá bẩn vẫn được bán tràn lan, nhưng sự can thiệp, kiểm soát của cơ quan chức năng vẫn còn rất yếu, chính vì vậy, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý mạnh hơn nữa với hiểm hoạ đá bẩn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong mùa hè.
Phi Long / Lao Động

Bình luận (0)