Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đêm của nghề câu cá hô

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải tôi cắc cớ muốn đổi tên chuyên mục thành “Đêm của một nghề” mà  chỉ vì nghề câu cá hô của cha con ông Chín chỉ “hành” được lúc đêm về. Trăm ngày như một, khi đêm đến, cha con ông chạy xuồng ra giữa sông Tiền, thay nhau lặn ngụp dưới đáy sông sâu, đến 2 – 3 giờ sáng mới quay xuồng trở về. Họ đi săn một loài cá quý hiếm nhất trên sông Cửu Long, có tên là cá hô. May mắn săn được một con cá to, bán không dưới 100 triệu đồng…
Phập phồng nín thở, lặn sâu
Đúng 22 giờ, ông Chín cùng đứa con trai tên là Cương (28 tuổi) rời khỏi nhà. Dòng sông Tiền về đêm như càng mênh mông hơn. Ông Chín nổ máy, xuồng lao ra giữa sông. Chiếc xuồng máy cũ kỹ như chỉ vừa với cha con ông và đống ngư cụ, có thêm một ông  nhà báo nặng tới  80kg – là tôi, nên nó có vẻ như  bị quá tải. “Ngư vực” của cha con ông ở ngay dưới chân cầu Mỹ Thuận, phía thượng lưu. Tôi chưa kịp thắc mắc thì ông Chín đã nói: “Không biết vì cớ gì mà cá hô thích quanh quẩn dưới chân cầu Mỹ Thuận, có lẽ vì ở đây có nhiều “hầm hố”.
Đến đúng nơi “ưng ý” ở giữa sông, họ tắt máy xuồng, bắt đầu thả lưới. Đống lưới cao ngồn ngộn được 2 cha con tung nhanh xuống sông. Họ vừa dùng chèo tay để điều khiển chiếc xuồng, vừa nghe ngóng “tình hình” dưới đáy sông. Ông Chín cho biết, đây mới là những mẻ lưới thăm dò. Khoảng 10 phút sau, mẻ lưới đầu tiên được kéo lên, chỉ được 1 con cá lăng bằng cổ tay và mấy con cá khác nhỏ hơn. Mẻ lưới thứ hai, rồi thứ ba theo cùng cách ấy, chiến lợi phẩm cũng không khác gì mẻ lưới đầu. Bây giờ 2 cha con ông Chín mới áp xuồng sát chân cầu Mỹ Thuận. Ông giải thích: “Những mẻ lưới đầu nhằm đánh động “bọn” cá hô để chúng rúc vô mấy cái hố dưới đáy sông gần chân cầu”. Suốt mấy chục năm lặn săn cá hô, ông Chín đã thuộc lòng dòng sông Mỹ Thuận. Dưới đáy sông chỗ nào bằng phẳng, chỗ nào có hố ông đều biết rành. Cá hô thường hay rúc vào những hố sâu dưới đáy sông, đó là cái khó, mà cũng bí quyết của người đi săn.

Ông Chín (phải) chỉ tác giả thao tác vá lưới. Ảnh: Kỳ Quan

Ước đoán xuồng đang ở trên một cái hố dưới đáy sông, cha con ông Chín bung lưới. Xong, Cương “ra đồ”, quấn ống thông hơi quanh người, miệng ngậm đầu ống, đợi ông Chín nổ máy bơm hơi là lao xuống dòng sông. Mặt nước xao động rồi phẳng lặng trở lại, bọt nước nổi lên từng đợt theo nhịp thở của người dưới lòng sông. Quan sát chiều dài ống hơi chìm xuống lòng sông, ông Chín ước đoán chỗ này sâu khoảng 20 mét. Công việc của người dưới đáy sông là mò vô hố “quậy tưng” để nếu có cá hô thì chúng lao ra vướng vào lưới bủa vây bên ngoài. Mặt ông Chín căng thẳng, bởi lẽ đó là thời điểm nguy hiểm nhất cho người dưới đáy sông và cũng là thời điểm có cơ may dính cá hô. Vì bất cứ lý do gì mà ông dẫn hơi bị tắc (như máy bơm hơi bất ngờ bị hư, một con cá bơi ngang làm đứt ống dẫn hơi…) là nguy hiểm xảy ra với người dưới đáy sông. Khoảng 10 phút sau Cương nổi lên, hai cha con lại kéo lưới, cũng chỉ là những con cá nhỏ.
Lại một vài mẻ lưới “thăm dò” trên mặt sông, trước khi cậu con trai lại ngậm ống hơi lao mình xuống dòng sông. Ông Chín cho biết, mấy hôm nay ông không được khỏe nên chỉ ở trên xuồng, đứa con ông nhận hết phần lặn sâu. Ông Chín lại căng mắt theo dõi mặt sông. Tôi chợt thấy mặt nước nổi bọt dày đặc, trắng xóa. Ông Chín cho biết, đó là lúc dưới đáy sông con ông nín thở, dùng ống hơi quơ khắp đáy hố để đuổi cá. Bất ngờ dây lưới bị giằng mạnh, tay ông Chín căng lên… Nhưng rồi dây lưới chùng trở lại… Ống dẫn hơi chùng dần, bọt nước nổi dày đặc, cuối cùng là con ông Chín nổi lên, tay bấu vào be xuồng… Vừa nằm thở dốc, Cương vừa nói: “Bị nó tông vô bụng muốn nín thở”. Thì ra một con cá hô nào đó khi bị phá “ổ” đã bỏ chạy và vô tình tông vào người đi săn, nó cũng va vào lưới, nhưng đã không bị mắc lưới.
Lấy ngắn nuôi dài
Vậy là đêm săn cá hô của cha con ông Chín đã không thành. Song ông Chín đầy hy vọng:  Có khi hàng tháng trời lặn ngụp dưới đáy sông mà không chạm được cá hô, nay chạm được nó đã là điều may rồi, dù không bắt được. Chắc chắn rồi nó sẽ còn quanh quẩn đâu đó, cha con tôi sẽ còn cơ hội”. Nhìn đồng hồ mới 1 giờ sáng, cha con ông  thả thêm hơn chục  mẻ lưới nổi để kiếm cá nhỏ. Cuộc “đi săn” kết thúc lúc 3 giờ sáng. Sản phẩm sau một đêm săn là khoảng 5 – 6kg cá lăng, cá ngát, cá sửu… “Đem bán hết cũng được 300 – 400 ngàn đồng, vừa đủ “sở hụi” – ông Chín cười hiền lành.
Trên đường về ông Chín kể:  Lần cha con ông  săn được cá lớn gần đây nhất là tháng 3.2012, một con cá hô nặng 150kg, bán được hơn 300 triệu đồng. Trước đó khoảng 5 tháng, họ cũng tóm được chú cá hô nặng 130kg. Cá hô càng lớn thịt càng quý vì người ta tin rằng thịt cá giúp đàn ông “phong độ”. Cá hô loại trên 100kg hiện được mua với giá 2,2 triệu đồng/kg, cá càng nhỏ càng thấp giá, loại dưới 10kg chỉ bán được 300 ngàn đồng/kg. Vì vậy mà săn được cá hô loại trên 100kg bao giờ cũng là mơ ước của người đi săn. Phương châm của ông là “lấy ngắn nuôi dài” – hằng ngày chỉ cần đủ “sở hụi” từ các loại cá “tạp”, kiên trì chờ tóm được cá “khủng”.

Sản phẩm của một đêm đi săn. Ảnh: Kỳ Quan

Về tới nhà, ông Chín kêu vợ làm cá nấu cháo để “lai rai” với nhà báo chờ trời sáng. Cũng định ngồi lại uống rượu khuya với cha con ông, nhưng nghĩ lại chỉ có tôi còn khỏe (vì chỉ ngồi xem), cha con ông Chín đều mệt nhoài, nên tôi cáo từ, ra về. Với lại, đãi tôi 1kg cá, có thể ông bị hụt “sở hụi”, ảnh hưởng đến cuộc “đua đường dài” với những con cá hô trên sông Tiền. Thế nên tôi phóng một mạch hơn trăm cây số về nhà, hoàn thành “Đêm của một nghề”.

Ông Phan Văn Chín (60 tuổi, ngụ thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) nối nghiệp săn cá hô từ cha là ông Phan Văn Cựu. Nghề này do ông nội ông khởi đầu cách đây cả trăm năm. Ông có 4 con – 2 trai, 2 gái. Hai đứa con trai đều theo nghiệp săn cá hô. Dù nghề săn cá hô có vẻ nguy hiểm, nhưng gia đình ông chưa từng có ai tử nạn, trong khi gia đình khác thì có. Vì luôn lặn sâu, nên ông Chín bị chứng bệnh điếc, mắt mờ…

 Phấn Đấu (Lao Động) 

Bình luận (0)