Ngày 10-8, tại Hải Dương, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã bắt đầu từ năm 1993.
Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó số lao động đi theo Chương trình Thỏa thuận giữa Bộ LĐTB-XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc là gần 70.000 người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng một số lao động đã hết hạn hợp đồng không về nước mà tiếp tục ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp hoặc chuyển đổi nơi làm việc trái phép, đưa ra những lý do không chính đáng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý của Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan liên quan cần tập trung truyền thông làm cho người lao động nắm được đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là các chính sách mới ưu đãi đối với người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tạo động lực cho người lao động trở về nước đúng quy định. Bộ LĐTB-XH cần quan tâm tới công tác tuyển chọn, giáo dục người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc chấp hành nghiêm túc luật pháp Việt Nam, pháp luật Hàn Quốc.
Hà Nội, Nghệ An và Hải Dương là 3 địa phương có nhiều người lao động không trở về nước nhiều nhất (mỗi địa phương đều trên 300 người). Trong tháng 10-2012, các địa phương có người lao động ở lại cần có nghị quyết để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Mục tiêu đến cuối năm 2013, phải khắc phục cơ bản tình trạng lao động không trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng.
Phó Thủ tướng giao Bộ LĐTB-XH nghiên cứu, xem xét việc giữ lại một phần tiền gửi về nước của người lao động. Theo đó, cơ quan quản lý lao động tại Hàn Quốc sẽ giữ lại 15% tổng số tiền mà lao động gửi về Việt Nam tại ngân hàng, khi trở về nước đúng thời hạn quy định sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi.
PH.VĂN (SGGP)
Bình luận (0)